Gần đây, khi vào Bảo tàng LSQSVN, tôi thấy cuốn nhật ký của anh Lê Văn Phượng, cựu pháo thủ số 2 xe tăng 390 trong số hiện vật trưng bày.
Nhớ lại cách đây 13 năm, bộ phim truyền hình Những người lính xe tăng 390 ngày ấy phát sóng đã chứng minh sự thật lịch sử rằng xe tăng 390 mới là xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập.
Sau sự kiện gây chấn động dư luận đó, Tiền Phong là một trong những báo viết đầu tiên. Từ đó người viết bài này nhiều lần gặp các anh. Tuy nhiên trong những lần gặp đó, chưa khi nào tôi nghe anh Phượng đề cập đến cuốn nhật ký của mình.
Khoảng dăm năm trở lại đây, công chúng được biết đến một số cuốn nhật ký thời chiến, mà nổi bật là Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Do chưa nghe anh Phượng đề cập đến cuốn nhật ký của mình, tôi nghĩ chắc nó mới được trưng bày tại bảo tàng. Nhưng khi gặp anh, tôi mới biết cuốn nhật ký trên đã được Bảo tàng LSQSVN nhận về từ tháng 5/1995, nghĩa là trước khi các anh được mọi người biết đến qua bộ phim Những người lính xe tăng 390 ngày ấy phát sóng năm 1996.
Tôi có hỏi “một chuyện như vậy sao từ bấy đến nay anh không bật mí cho mọi người biết”- Anh Phượng cười: “Nhật ký của mình cũng bình thường như nhiều cuốn khác thôi, đâu có gì để nói”. Gặng hỏi, anh Phượng mới kể về cuốn nhật ký của mình.
Cuốn nhật ký trưng bày ở Bảo tàng LSQSVN - Ảnh: K.N |
Cuốn nhật ký của cựu pháo thủ Lê Văn Phượng được đưa vào Bảo tàng LSQSVN xuất phát từ một thời điểm đáng nhớ. Đó là năm 1995, nữ nhà báo Pháp Francoise de Mulder, người mà vào thời điểm lịch sử 30-4-1975 chụp được những bức ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập đã trở lại Việt Nam để dự lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam.
Khi đó, bà Mulder có mang theo những bức ảnh mình đã chụp trước kia. Căn cứ vào những bức ảnh, khoảnh khắc vĩ đại của lịch sử dần được nhìn nhận lại khi thấy rằng xe tăng 390 mới là xe đầu tiên vào Dinh Độc Lập chứ không phải là xe tăng 843 như từng được công nhận trước đó.
Bà Mulder đề nghị được tìm gặp bốn thành viên xe tăng 390 (lúc này đều đã nghỉ hưu) và được chấp thuận. Sau khi gặp được các anh Nguyễn Văn Tập (lái xe) và Vũ Đăng Toàn (trưởng xe), bà Munder tìm gặp anh Lê Văn Phượng (cần nói thêm, sau đó bà Mulder tìm gặp anh Ngô Sĩ Nguyên, pháo thủ số 1 nhưng không được-PV).
Lúc này, cựu pháo thủ 2 xe tăng 390 đang hành nghề cắt tóc tại khu vực gần nhà (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) thì bà Mulder cùng một đoàn người tìm đến.
Về nhà anh Phượng, bà Mulder đưa những bức ảnh mình chụp khi xe tăng 390 vào Dinh Độc Lập để anh Phượng xem và hỏi về những thành viên xe 390 có mặt trong ảnh.
Anh Phượng nhận rõ từng đồng đội, rồi lấy ra cuốn nhật ký mà mình đã ghi chép trong nhiều năm để mọi người xem. Cuốn nhật ký có tên Chặng đường quân ngũ, trong đó anh Phượng ghi lại những chuyện từ khi mình nhập ngũ, chiến đấu cho đến khi nghỉ hưu.
Thời điểm lịch sử khi anh Phượng cùng các thành viên xe tăng 390 vào Dinh Độc Lập cũng được ghi lại khá rõ ràng... Thấy vậy, một cán bộ Bảo tàng LSQSVN có mặt trong đoàn đã đề nghị anh Phượng cung cấp cuốn nhật ký này để trưng bày và được chủ nhân đồng ý.
Sau đó, Bảo tàng LSQSVN đã sao lại cuốn nhật ký, đóng dấu xác nhận rồi giao bản sao này cho anh Phượng giữ làm kỷ niệm.
Viết nhật ký chỉ để riêng mình
Anh Phượng cho biết thuở còn đi học, anh có chút năng khiếu về thơ văn, diễn kịch. Đi chiến đấu, thỉnh thoảng anh viết thư về gia đình bằng thơ, mà đến nay nhiều người thân vẫn còn nhớ một số câu thơ của anh viết năm xưa.
Còn trong quân ngũ, có thời gian anh được chọn vào Đội Tuyên văn của Bộ Tư lệnh Tăng -Thiết giáp với nhiệm vụ diễn kịch, đọc thơ cho các đơn vị trong Bộ Tư lệnh.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng từng tham gia Đội Tuyên văn với anh Phượng và khi đó hai người lính trẻ này thỉnh thoảng vẫn nói chuyện thơ với nhau.
“Anh Hữu Thỉnh nhập ngũ trước tôi hai năm, cùng trung đoàn. Bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng (sau được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc) đã đánh dấu tài thơ của anh Hữu Thỉnh.
Anh Phượng cho biết: Trước dịp kỷ niệm ngày 30-4-2003, Ban Giám đốc Hội trường Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập trước kia) có điện cho 4 cựu binh xe tăng 390 xem có kỷ vật thời chiến nào thì gửi tặng để trưng bày. Anh Phượng đã gửi chiếc ăng-gô của mình, trên đó anh khắc một chiếc xe tăng đang lao lên trong tư thế chiến đấu. Hiện chiếc ăng-gô mà anh Phượng sử dụng suốt chặng đường quân ngũ được trưng bày tại Hội trường Dinh Thống Nhất. |
Sở dĩ trong bài thơ nói năm anh em trên một xe tăng, đó là mô tả những người lính trên xe tăng T34 có năm người; còn sau này ta hay dùng xe tăng T54 hoặc T59, chỉ có 4 người” - Anh Phượng cho biết.
Chính vì thích thơ văn nên chuyện anh Phượng hay viết nhật ký cũng là lẽ tự nhiên. “Tôi viết nhật ký như một nhu cầu tự thân, trước là để tâm sự với mình, sau là để không quên những gì đã diễn ra. Tựu trung lại tôi viết nhật ký là để cho riêng mình” - Anh Phượng tâm sự.
Mở đầu nhật ký Chặng đường quân ngũ, người lính trẻ viết với cảm xúc đầu tiên: “7 giờ sáng ngày 7-4-1965, tôi lên đường vào bộ đội. Bằng một bộ quân phục kiểu bu dông còn thơm mùi vải, tôi có cảm giác mới lạ hay hay đến ngây ngô”.
Hoặc ghi lại giai đoạn huấn luyện trước khi vào Nam chiến đấu của mình: “Tháng 4 và 5-1965, tôi tập đội ngũ cơ bản của một người lính tân binh. Từ tháng 6 đến tháng 9-1965 học lớp lái xe tăng cấp 1 ở Hương Vị, Tam Dương, Vĩnh Phú, tôi tốt nghiệp giỏi thứ hai khóa đó. Tháng 10-1965, tôi được giao nhiệm vụ về C6 D6 E202 hành quân luyện tập chuẩn bị vào Nam chiến đấu”.
Trong nhật ký Chặng đường quân ngũ, anh Phượng viết khá ngắn gọn về những sự kiện diễn ra. Có những sự việc diễn ra trong vài tháng mới được anh ghi lại. Giải thích điều này, anh Phượng cho biết có những lúc muốn ghi chép nhiều hơn nhưng thời gian và tính khốc liệt của cuộc chiến không cho phép.
Đơn cử như ngày 30-4-1975, trước khi cùng xe 390 vào Dinh Độc Lập cũng không cho phép anh ghi dài hơn: “Đến cầu Sài Gòn, tôi (khi đó anh Phượng là pháo thủ 2 xe 390, đồng thời là đại đội phó đại đội 4, lữ đoàn xe tăng 203- PV) nhận định tình hình địch, bàn bạc cùng các đồng chí Thận (Bùi Quang Thận, đại đội trưởng đại đội 4, trưởng xe 843 - PV) và Toàn (Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4, trưởng xe 390 - PV) rồi cùng đơn vị qua cầu đánh thẳng vào thành phố Sài Gòn và tiến tới Dinh Độc Lập.
Toàn đơn vị nhanh chóng rầm rập qua cầu, đánh rất dũng cảm, ác liệt, xe địch bị tiêu diệt và cháy ngay tại chỗ. Xe 390 và 843 của chúng tôi là những xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập và cắm cờ bách chiến bách thắng...”.
Trong nhật ký của anh Phượng, có những đoạn rất riêng tư. Đầu năm 1980, trước khi vợ sắp sinh cô con gái út, anh viết: “Từ ngày vợ chồng lấy nhau, tôi mới tận mắt nhìn thấy bụng chửa của vợ, trông thật khó nhọc và vất vả quá”.
Và trong nhật ký, anh dành những dòng để tổng kết: “Cuộc đời quân ngũ của tôi thật sôi nổi nhưng cũng sóng gió. Tôi cảm thấy lớn lên về nhiều mặt, chững chạc và vững vàng”.
Khi chia tay, tôi có nhắc tới quan niệm về viết nhật ký của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong cuốn Mãi mãi tuổi hai mươi: “Nếu như người viết Nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn Nhật ký đó sẽ chân thực nhất...”. Anh Phượng rất tâm đắc với quan niệm đó.