> Tin tôi đi, bạn sẽ chẳng thể cuồng nổi đâu!
> Gốc là gia đình
Trong con mắt một bộ phận giới trẻ, thần tượng biến thành thiên tài, được xem như thần thánh. Một số fan cuồng sẵn sàng hi sinh luôn liêm sỉ và văn hóa của bản thân để thể hiện tình yêu với thần tượng... hôn chiếc ghế mà ca sĩ Bi Rain ngồi.
Điều này khiến nhiều người sửng sốt. Những biểu hiện bệnh hoạn, quá khích, lệch lạc là hồi chuông báo động đối với toàn xã hội.
Tôi từng bức xúc khi biết một fan cuồng nữ đã tuyên bố: “Em sẵn sàng giết bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì cuối cùng ông bà già cũng biết điều và để mình đi”.
Những dòng bình luận của fan cùng hội cùng thuyền tiếp theo: “Khi cha mẹ trở thành vật ngáng đường con cái đến với tình yêu đích thực của đời mình chỉ còn cách là tiêu diệt”. “Gia đình là phù du, Suju là tất cả” là một tuyên ngôn gây shock đã được khá nhiều bạn trẻ hưởng ứng.
Thật bất hạnh cho một gia đình nào có những người con như thế. Tôi nghĩ, họ quá mê muội, không còn ý thức về hành vi điên rồ của mình nữa. Trên Facebook còn có “Hội những người tẩy chay đề thi của Bộ GD&ĐT” của khá đông tín đồ K-pop vì có câu hỏi liên quan đến chủ đề thần tượng.
Tôi chưa từng nghe thấy một hội nào lại nhảm nhí như vậy. Mặc dù đề bài không có ý nào nói “không cần thần tượng” mà đề thi chỉ tạo cơ hội cho thí sinh được thể hiện suy nghĩ của mình về thần tượng. Chính sự phản ứng thái quá của một số fan cuồng là dẫn chứng thực tế, sâu sắc nhất về thảm họa.
Hành động cuồng thần tượng thực sự không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Hãy tưởng tượng hàng loạt cậu ấm, cô chiêu đầu xanh, đầu đỏ, hát và nghe các bài hát chính họ không hiểu ngữ nghĩa, không lo học tập, làm việc... Đó thực sự là gánh nặng cho xã hội.
Trịnh Hoài An
Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội