Có sự nhầm lẫn giữa khu đất 30ha và 90 ha của Quốc Cường Gia Lai ở Phước Kiển
Ngày 18/4, Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Mã chứng khoán: QCG) để huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Năm 2017, Công ty Tân Thuận đã bán 32,5 ha đất tại xã Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/ m2. Mức giá này được cho là thấp hơn nhiều mặt bằng thị trường.
Dù thương vụ có giá trị rất lớn, song Công ty Tân Thuận đã không báo cáo tập thể Thường trực và tập thể Ban thường vụ Thành uỷ theo Quy chế quản lý tài sản của Thành uỷ TPHCM.
Trả lời báo chí sáng 19/4, Phó Tổng giám đốc QCG ông Nguyễn Quốc Cường cho biết dư luận đang có sự nhầm lẫn giữa lô đất 30ha mua lại của Công ty Tân Thuận (nằm cạnh mặt đường Nguyễn Hữu Thọ) và dự án Phước Kiển rộng 90ha (cách đường Nguyễn Hữu Thọ 3-4km, giáp Rạch Ông Lớn và Rạch Đĩa).
Về yêu cầu huỷ hợp đồng của Thành uỷ TPHCM, người đồng thời giữ chức thành viên HĐQT QCG khẳng định hợp đồng mua đất của Công ty Tân Thuận là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán, tuy nhiên nếu được Thành phố yêu cầu thì QCG sẽ trả lại trên cơ sở điều khoản hợp đồng ký kết. Ông Cường cũng nhấn mạnh đây chỉ là một phần nhỏ trong quỹ đất lớn của QCG, và tập đoàn này không chịu nhiều ảnh hưởng nếu bị thành phố lấy lại.
Đối với dự án Phước Kiển rộng 90ha đang được chuyển nhượng cho Sunny Island, ông Cường cho biết QCG đang gấp rút tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng một số hộ dân còn lại, sau đó san lấp để bàn giao cho Sunny Island.
Tới cuối năm 2017, Sunny Island đã chuyển cho Quốc Cường Gia Lai gần 2.900 tỷ đồng để trả nợ BIDV và thực hiện giải phóng mặt bằng tại dự án Phước Kiển.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nhận định về bản chất đây là việc dân sự. Các bên đã ký kết hợp đồng kinh tế là hai pháp nhân độc lập, và trong trường hợp nội dung hợp đồng không trái với quy định pháp luật, nếu phía công ty nhà nước (Tân Thuận) đơn phương huỷ bỏ hợp đồng thì Quốc Cường Gia Lai có thể kiện ra toà đòi bồi thường.
Tuy nhiên nếu hợp đồng làm trái với điều cấm của Luật có thể bị tuyên vô hiệu, hoặc xuất hiện yếu tố hình sự (tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...) thì song song với xử lý về mặt hình sự, hợp đồng kinh tế giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai cũng có thể bị huỷ bỏ.