Được xây dựng từ năm 1899, chợ Đông Ba ban đầu là 4 dãy nhà ngói xếp mái hình vuông, ở giữa có một tòa nhà ba tầng, trên cùng có bốn mặt đặt đồng hồ lớn điểm chuông hàng giờ nên người dân Huế quen gọi là “lầu chuông”. Trải qua 114 năm với biết bao biến cố, thăng trầm, ngày nay chợ Đông Ba khoác lên mình "bộ cánh" mới, khang trang với hàng nghìn gian hàng, nhưng kiến trúc “lầu chuông” vẫn được bảo tồn như một nét kiến trúc đặc trưng.
Chợ Đông Ba đã từng bị phá hoại, đốt cháy và nhiều lần tu sửa, xây mới để có diện mạo như ngày nay. Ảnh: newvietart. |
Chợ Đông Ba có vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm thành phố Huế, dọc bờ sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền khoảng 100 m về phía Bắc. Đây không chỉ là niềm tự hào của của người dân xứ Huế mà còn là nơi để du khách tìm hiểu văn hóa đất cố đô. Chẳng thế mà ai đến Huế cũng phải đi chợ Đông Ba cho bằng được.
Chỉ cần đi dạo một vòng khu chợ Đông Ba, bạn sẽ nhận thấy nơi đây như một phố nghề thu nhỏ, với đủ sản phẩm của các làng nghề truyền thống trên mảnh đất Thừa Thiên. Từ chiếc nón bài thơ của làng nón Phú Cam, chiếc kéo cắt phủ nước thép xanh mướt của làng rèn Hiền Lương, đến những món đồ tinh xảo của làng kim hoàn Kế Môn hay hàng mã hoa giấy làng Sình… bạn đều có thể tìm thấy ở Đông Ba.
Nón Huế là mặt hàng rất được du khách yêu thích ở chợ Đông Ba. Ảnh: dulichhue. |
Ở đây người ta cũng bắt gặp những sản phẩm của Phường Đúc nổi tiếng một thời như đỉnh lư, chuông đồng, hay những mặt hàng lưu niệm chủ yếu phục vụ cho khách du lịch khi vào tham quan như tháp Phước Duyên, Ngọ Môn. Kỳ công thêm một chút có hàng gốm làng Phước Tích với chiếc om đất, siêu thuốc, bình vôi, lu, ảng, chén, bát đủ màu đủ kiểu. Bên cạnh đó còn phải kể đến đồ tre của làng Bầu La, Dạ Lê, Phú Thứ với thúng mủng, rổ, rá, tấm mành gót, giường, chõng.
Du khách đến chợ Đông Ba không chỉ để mua sắm mà còn để khám phá phần nào nền ẩm thực dân dã của xứ Huế mộng mơ. Ngoài kẹo mè xửng nổi tiếng mua về làm quà, du khách ghé chợ còn có dịp thưởng thức các món cơm hến cay rát lưỡi ở các quầy hàng rong, nếm món bánh bột lọc, món bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh, thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói.
Nói đến bánh chợ Đông Ba không thể không nhắc đến bánh tráng Sịa, bún thịt nướng Kim Long, nem chả tré ở Phú Hòa, Vỹ Dạ, bánh canh Nam Phổ, bún sợi Vân Cù. Và dù đã thưởng thức ở nhiều nơi nhưng bạn cũng phải tấm tắc rằng, bánh khoái, bánh lá chả tôm, bánh nậm, bánh ướt, chè đậu ván đặc, chè thập cẩm, chè thịt quay… bán ở chợ Đông Ba là đúng điệu và thơm ngon nhất.
Ở chợ Đông Ba ăn xong các món bạn nhớ ghé hàng nước uống một bát chè Tuần, chè Truồi nấu với gừng tươi, đủ để xua đi cái mệt rã rời khi lang thang từng góc chợ. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn nước trái cây tươi nguyên sóng sánh, một ly nước mía Mỹ Lợi, Tứ Hạ mát lành hoặc chén chè hạt sen Tịnh Tâm thơm hương ngọt dịu.
Bạn có thể tìm thấy ở Đông Ba đủ các món chè dân dã. Ảnh: dulichhue. |
Các loại trái cây cũng không hề thiếu ở chợ Đông Ba như quýt Hương Cần, thanh trà Kim Long, Lại Bằng, măng cụt, nhãn lồng Thủy Biều. Hoa ở đây cũng có dăm bảy loại, từ vạn thọ, hải đường, huệ, lay ơn… đến các loại hoa hồng với cả trăm sắc thái. Bông đỏ rực, phơn phớt hồng, bông trắng tinh, màu xanh nhạt, tất cả đều do những nghệ nhân ở những làng vườn Vỹ Dạ, Phú Dương, Phú Hiệp dày công lai tạo, mang đến bốn mùa hoa lá tươi vui.
Chợ Đông Ba còn là nơi họp mặt của các loại hàng đặc sản từ cua, tôm Tân Mỹ, đến cá, mực Thuận An, sò huyết Lăng Cô. Kỳ công hơn có nước mắm ruốc ăn ngon nhức răng của Hải Dương, Tài Hà, nước ớt của Cự Lại cay xé lưỡi. Và đặc biệt là món mắm tôm nổi tiếng của Phước Lộc, mắm sò Lăng Cô, mắm cá ngừ, cá cơm Cự Lại, Hải Thành.
Tuy là chợ nhưng Đông Ba không ồn ào, náo nhiệt như các trung tâm thương mại khác, mà vẫn còn giữ được những nét Huế rất riêng. Thậm chí, bạn có thể bắt gặp hình ảnh tà áo dài với đôi quang gánh trên vai của không ít những chị em tiểu thương ra vào chợ. Cùng với nụ cười mến khách và tiếng mời như rót mật, du khách như đắm mình trong không gian Huế xa xưa.