Cuối năm, SV lại “méo mặt” với nạn trộm cắp
> Tóm gọn gái gọi cao cấp kiêm trộm cắp chuyên nghiệp
> Đau lòng sinh viên nợ môn, bỏ học vì nợ như chúa chổm
Lệ Thủy, sinh viên HV BC & TT vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại chuyện bị trộm phá khóa vào nhà “ẵm” mất 2 laptop, máy ảnh và số tiền 2.500.000 đồng.
Rất nhiều các thành viên khác của xóm trọ đều có mặt ở nhà nhưng tuyệt nhiên không một ai hay biết sự việc. Ảnh: Thu Lê |
Đi chợ mua rau về mất 2 laptop
Chỉ trong 1 tuần, xóm trọ của Lệ Thủy, sinh viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại ngõ 28, Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội 4 lần phải đi trình báo công an phường vì bị trộm phá khóa vào nhà khoắng hết sạch đồ đạc và tiền bạc.
Điều đặc biệt hơn là những phòng trọ ở đây đều bị trộm đột nhập phá khóa vào những thời điểm không ai có thể ngờ đến. Thủy bàng hoàng kể: “Em vừa tắt máy tính, chốt cửa sổ, khóa cửa chính để chạy ra đầu ngõ mua thức ăn về nấu cơm tối. Chỉ 10 phút sau quay về thì thấy cửa phòng mở toang, khóa bị cắt, đồ đặc trong phòng bị lục tung và 2 chiếc laptop, máy ảnh, dây sạc, tai phone lớn nhỏ, 3G,… cùng số tiền 2.500.000 đồng để trong túi xách bị trộm cuỗm sạch. Quá choáng váng, em hô trộm, mọi người trong xóm mới ùa ra và tuyệt nhiên, không một ai hay biết về sự việc…”
“Điều lạ lùng là, xóm trọ của bọn em chuyên bị trộm phá khóa vào tầm mọi người nấu cơm trưa, cơm tối. Thời điểm này, xóm trọ thường rất đông đúc nhưng không hiểu sao vẫn bị trộm đột nhập vào mà không ai hay biết. Mất đồ, bọn em báo chủ nhà nhưng chủ nhà cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, báo công an thì công an cũng bặt vô âm tín…”, Thủy bức xúc.
Theo phản ánh của những sinh viên tại đây, hằng ngày các bạn phải sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Đi chợ, đi ăn, đi học, đi chơi,… các bạn đều phải cầm theo tất cả những đồ đạc giá trị dễ mất hoặc kí gửi đồ ở những phòng bên cạnh có người ở nhà.
Sinh viên thì phải biết sống chung với… trộm
Tương tự, xóm trọ của Lan, sinh viên ĐH Thủy lợi ở Tây Sơn – Đống Đa thời điểm này cũng thường xuyên bị trộm “hỏi thăm”. Xóm trọ của Lan tách biệt với nhà chủ lại không có cổng che chắn bảo vệ nên an ninh rất nhũng nhiễu. Những người thuê trọ ở đây cứ hở ra cái gì là mất cắp cái đó.
“Bọn em hở cái gì ra là mất cái đó. Đi học, đi làm quên không cất đôi dép lê đi ở nhà vào là cũng không cánh mà bay ngay. Quần áo to, quần áo nhỏ, phơi bên ngoài cứ mất liên tục. Thời điểm cuối năm các vụ trộm cắp xảy ra nhiều hơn trước. Bọn em không chỉ bị mất quần áo, giày dép, tiền, điện thoại, xe đạp... mà còn mất cả xe máy, laptop nữa. Vì không có cổng lại ở tách biệt với chủ nhà nên xóm trọ của bọn em nạn trộm cắp kinh khủng lắm! Bọn mình thường xuyên bị trộm cạy cửa hỏi thăm lúc nửa đêm và thậm chí cả lúc đang ngủ trưa nữa…”, Lan cho biết.
Tiếp lời Lan, Hà Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGH cũng thuê trọ ở đây cho biết: “Ở riết thành quen, sinh viên là phải biết sống chung với trộm. Chuyển đến đây hôm trước hôm sau bọn mình đã bị trộm kì cạch cạy cửa hỏi thăm rồi. 3 tháng qua mình không nhớ là đã bao nhiêu lần bị mất trộm đồ đạc rồi, bao nhiêu lần phải “thót tim” tỉnh dậy lúc nửa đêm vì tiếng cạy cửa của trộm…”
Xóm trọ mà Hằng, sinh viên Trường ĐH Bách Khoa đang thuê phòng tại phố Phương Liệt- Hoàng Mai, kẻ trộm cũng “ra vào như trốn không người”. Quang cho biết: “Chuyện trộm cạy cửa phòng không có gì là lạ lẫm ở xóm trọ của mình. Những ngày cuối năm này, trộm xuất hiện liên tục. Cứ cách 2 hoặc 3 ngày lại xảy ra một vụ như thế... Có khi kẻ trộm còn lấy đèn pin soi thẳng vào mặt từng người trong phòng, khi chúng mình hoảng sợ hô trộm chúng mới chịu bỏ đi”.
Theo quan sát của chúng tôi, xóm trọ này cũng không hề có cổng, tách biệt với nhà chủ, chủ nhà thì chỉ cho sinh viên nữ thuê. Do đó, bọn trộm rất hay rình mò lui tới.
Sinh viên nội trú cũng "méo mặt" vì nạn trộm cắp
Không chỉ ở các xóm trọ sinh viên, chuyện mất cắp còn xảy ra thường xuyên ở kí túc xá của các trường ĐH, CĐ. Kí túc xá Mễ Trì thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, kí túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền, kí túc xá Trường ĐH Giao thông vận tải, kí túc xá Trường ĐH Bách Khoa,… thời điểm này cũng đang nóng với nạn trộm cắp. Nhiều sinh viên bị mất tiền, mất điện thoại, máy tính... khi đang ngủ, thậm chí là trong cả lúc ngủ trưa.
Nguyễn Mai Phương, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN vừa bị mất điện thoại di động kể: “Ở kí túc xá đông người (8-10 người/phòng), người ra người vào nhiều, kẻ gian thường lợi dụng sơ hở vào ăn trộm đồ, chúng mình có cảnh giác không thể đề phòng hết được.”
Lại Văn Thắng, sinh viên năm thứ 2 ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đã hơn 1 lần là nạn nhân của nạn trộm cắp. Thắng bức xúc kể: “Lần đầu tiên mình mất tiền, nó lấy luôn cả các giấy tờ và bắt mình chuộc với giá cao. 1 tháng sau đó, đi uống nước với bạn quên không cầm điện thoại lúc quay trở về phòng cũng không tìm thấy điện thoại của mình đâu nữa. Lần thứ 3 là máy tính. Ở trong môi trường đông, nhốn nháo, mỗi người một tính nên không biết đường nào mà cảnh giác nữa…”
Hầu hết các chủ nhà trọ, ban quản lý kí túc xá của các trường đều yêu cầu người thuê phòng và sinh viên cảnh giác về tệ nạn mất trộm những ngày cuối năm, cận Tết. Tuy nhiên, nạn trộm cắp thì vẫn nằm ngoài khả năng kiểm soát của sinh viên thuê trọ.
Theo Thu Lê
TTVN