Cuối năm đi hái 'lộc' rừng

Đồng bào Thái ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang phơi cây đót mới hái để bán Ảnh: Hoàng Lam
Đồng bào Thái ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang phơi cây đót mới hái để bán Ảnh: Hoàng Lam
TP - Trong những ngày tháng Chạp này, hàng nghìn bà con nông dân là người dân tộc thiểu số ở các xã: Tam Chung, Tén Tằn, Trung Lý, Pù Nhi, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) tập trung lên đồi, núi hái cây đót, cây bông lau bán lấy tiền sắm Tết.
Đồng bào Thái ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang phơi cây đót mới hái để bán Ảnh: Hoàng Lam
Đồng bào Thái ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang phơi cây đót mới hái để bán. Ảnh: Hoàng Lam.

Anh Hà Văn Thìn- cán bộ UBND xã Tam Chung cho biết: “Cây đót mọc tự nhiên trong rừng, tập trung ở các đồi Suối Xôm, Suối Nháp, Cá Tận, trên địa bàn bản Ón (Tam Chung), với diện tích hơn 100 ha. Mỗi năm bà con địa phương chỉ khai thác, thu hoạch cây đót một lần vào dịp tháng Chạp. Đây là loại cây có lá mềm, dai, dùng để làm chổi quét nhà, quét vôi ve”.

Anh Thìn cũng cho biết hiện nay, mỗi lao động trong xã đi thu hoạch được từ 40 đến 50kg cây đót tươi/ngày. Giá cây đót mà các tư thương ở TP Thanh Hóa và nhiều tỉnh phía Bắc vào tận xã thu mua từ 3.500- 4.000 đồng/kg cây đót tươi, nên đồng bào các dân tộc trong xã và các xã lân cận như Tén Tằn, Pù Nhi có thu nhập tương đối cao để mua sắm đồ dùng đón Tết cổ truyền...

Tại xã Trung Lý, trong những ngày này, từ người già đến trẻ em đều dành thời gian lên rừng hái cây bông lau về sử dụng và bán. Cây bông lau vào mùa đông nở bung. Đây là loại cây đồng bào Thái, Mông dùng để làm ruột đệm, nằm mùa đông rất ấm.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây cây bông lau được các tiệm bán hoa ở thị xã, thành phố thu mua nhiều để bán kèm với nhiều loại hoa tươi. Nhất là vào dịp gần Tết này, cây bông lau được tiêu thụ mạnh. Vì vậy, mỗi lao động đi hái cây bông lau bán cũng được vài chục nghìn đồng/ngày.

Được biết, nhiều năm qua, nhờ có cây đót, cây bông lau mà đồng bào huyện Mường Lát có tiền mua sắm đồ Tết tươm tất hơn. Từ gói bánh kẹo, chai nước mắm, tờ lịch Tết, đến quần áo, giầy dép cho trẻ em cũng nhờ vào hai cây “lộc” của rừng này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG