Cuối năm, chung cư đua nhau hạ giá

Cuối năm, chung cư đua nhau hạ giá
TP - Những ngày cuối năm, thị trường địa ốc Hà Nội “sốc” khi có những dự án bán giảm giá đến 2,5 tỷ đồng/căn hộ. Trong khi đó, tín dụng bất động sản (BÐS) bị siết khiến nhiều chủ đầu tư lo lắng tháo hàng trước khi thị trường rơi vào cảnh “bong bóng”.

Giảm giá cả tỷ đồng/căn hộ

Để kích cầu thanh khoản tại các dự án BĐS cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã tung ra những gói khuyến mãi "khủng" cho người mua nhà. Năm nay, không chỉ đưa ra các gói khuyến mãi thông thường cho các đợt bán hàng, nhiều chủ đầu tư địa ốc đã tham gia vào một sân chơi mới - Tuần lễ vàng bất động sản Red Friday, một sự kiện do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức. Sự kiện diễn ra từ ngày 7 - 14/12 với sự tham gia của hơn 20 chủ đầu tư, gần 1.000 sản phẩm có mức giảm giá hấp dẫn lên tới 5 - 30%. Cụ thể, một dự án trên đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội với mức giảm giá 28 - 30%. Theo thông báo của hội môi giới, dự án này còn 8 căn hộ. Hầu hết căn tại dự án đã được đưa vào sử dụng vài năm nay được giảm giá có diện tích rộng, trên 100 m2 và được chủ đầu tư liên tục mở bán. 

Tại dự án này, một số căn tầm trung và cao cấp có diện tích 182 m2 được quảng cáo giảm từ 8,52 tỷ xuống còn 5,96 tỷ đồng, tức 30%, tương đương giảm 2,5 tỷ đồng. Một căn hộ khác có diện tích 104m2 cũng được thông báo giảm 30%, từ 4,88 tỷ đồng xuống còn 3,4 tỷ đồng. 6 căn hộ còn lại đều được giảm 28% giá trị căn hộ. 

Thực tế, thời điểm mở bán năm 2011, dự án này được chủ đầu tư rao bán với mức giá khoảng 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau đó vài năm, giá căn hộ tại đây đã được điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 30-33 triệu đồng/m2 mặc dù dự án gần như đã hoàn thiện. Hiện, các căn hộ hoàn thiện đã ở được chủ nhà rao bán lại khoảng 35-39 triệu đồng/m2.

Dự án chung cư FLC Garden City Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội có mức giảm giá 6%, từ 1,2 tỷ đồng xuống còn 1,1 tỷ đồng/căn hộ...

Ngoài ra, chủ đầu tư một dự án lớn ở quận Đống Đa cũng sắp công bố giảm giá bán căn hộ 35 triệu đồng mỗi m2, xuống còn 30 triệu đồng. Mức giảm tương đương mỗi căn hộ sẽ thấp hơn giá bán trước đó khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ giảm giá bán từ 3-5 triệu đồng mỗi m2 so với các đợt mở bán đầu tiên,  một số chủ đầu tư còn đưa ra các chính sách khuyến mãi khủng như tặng nội thất giá vài trăm triệu đồng, tặng vàng, chuyến du lịch nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao hoặc được bốc thăm trúng thưởng. Một số dự án khác tại Cầu Giấy công bố chiết khấu tới 10-12% giá trị căn hộ, tương đương mức giảm 250-350 triệu đồng.

Cũng bởi chính sách “đại hạ giá” của các chủ đầu tư, các nhà đầu tư thứ cấp trót ôm hàng tại những dự án này cũng gặp vận đen khi phải chật vật bán cắt lỗ. Chị Minh Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) đầu tư một căn hộ tại dự án ở Cầu Giấy với giá 3,8 tỷ đồng, đồng thời đầu tư nội thất thêm 350 triệu. Tuy nhiên, hai tháng nay chị đã rao bán chấp nhận lỗ 850 triệu đồng mà vẫn chưa giao dịch nổi. 

Thị trường khó khăn

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam thừa nhận tình trạng giảm giá diễn ra trên thị trường BĐS cao cấp, đặc biệt ở phân khúc giá trên 25 triệu đồng/m2. Theo ông, diễn biến này xảy ra trong bối cảnh thị trường căn hộ tại Hà Nội thanh khoản rất thấp, từ phân khúc căn hộ giá rẻ cho đến cao cấp. Thanh khoản thấp xảy ra ở cả những dự án đang triển khai cho đến đã bàn giao. Trong đó, theo ông Toản, tại các dự án đã bàn giao, nếu số lượng hàng tồn còn nhiều, chủ đầu tư phải đối mặt với rủi ro về tài chính, đọng vốn nếu sử dụng tiền vay từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, dự án khi đưa vào sử dụng có thể xảy ra tình trạng xuống cấp nên hàng năm doanh nghiệp còn phải duy trì một khoản bảo dưỡng tốn kém, trong khi khách hàng sẽ ngày càng chấm điểm thấp đối với những dự án ế hàng. Vì vậy, ông cho rằng, nếu càng giữ giá thì mức lỗ của chủ đầu tư có thể càng lớn. Khi chủ đầu tư giảm giá cũng là lúc các nhà đầu tư thứ cấp khó “đẩy” hàng hơn. Theo ông Toản, thời gian tới, thị trường căn hộ tại Hà Nội vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu nên hầu như không có hàng mới được ra mắt.

Còn bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu - tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng với lượng sản phẩm rất dồi dào như hiện tại, không loại trừ khả năng chủ đầu tư phải giãn tiến độ hoàn thành để tăng tỷ lệ hấp thụ sản phẩm. 

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm 20-30% nhu cầu thị trường, tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) nhu cầu chiếm đến 70-80%, nhưng nguồn cung đang rất thiếu. Theo báo cáo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 20/11/2018, tồn kho 2.316 căn hộ chung cư (tương đương 3.392 tỷ đồng).

Theo các tổ chức tín dụng báo cáo, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 16,6% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 18,8% tổng dư nợ của hệ thống tổ chức tín dụng. 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cho vay đầu tư bất động sản được “ẩn nấp” khá nhiều ở tín dụng tiêu dùng. Các ngân hàng đang phân tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng thuộc hai nhóm khác nhau nhưng bản chất, nhiều người mua nhà bằng tiền vay ngân hàng, sửa chữa nhà cũng bằng tiền từ ngân hàng song lại được xếp vào tín dụng tiêu dùng.

Tuấn Nguyễn

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.