Ngàn vạn hỉ nộ ái ố cõi nhân sinh cứ trồi lên, trào ra, chỉ một tích tắc vướng mắt, vướng óc vào là mất mấy ngày bần thần. Chua chát, ngẫm ngợi, day dứt, dằn vặt, thở dài, rồi thì…cười.
Những diễn viên hài đang bí đất diễn, bởi ngoài đời đã quá nhiều điều mà không kịch bản thiên tài nào chứa nổi.
Nhà văn độc đáo gốc Tiệp Khắc Milan Kundera trong tập tiểu luận “Một cuộc gặp gỡ”, kể, ngồi trước màn hình vô tuyến, thấy luôn ồn ào, từ người dẫn chương trình, những ngôi sao, nhà văn, ca sĩ, đến những nghị sĩ, bộ trưởng, hễ có bất cứ cái cớ nào đó là phản ứng bằng cách mở rộng mồm, phát ra những tiếng rất to, nói cách khác là họ… cười!
Khiến ông liên tưởng đến anh chàng Evguéni Pavlovitch trong tiểu thuyết “Chàng ngốc” của Dostoievski, luôn phá lên cười bởi thấy người ta cười mà… chẳng có bất cứ lý do hài hước nào hết. Cuối cùng, cũng như anh chàng nọ, chúng ta đang bước vào “thế giới của những cái cười không có hài, nơi chúng ta bị buộc phải sống”.
Thời hiện đại này không cần Nguyễn Tuân phải đọc hẳn một tiểu luận để kêu lên, rằng người Việt “cần (phải) cười”, như tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ II năm 1963.
Cũng không nhọc công kê ra hàng trăm “mẫu” cười khác nhau, bởi “sự giàu có tiếng cười của chúng ta”. Khi với công nghệ bây giờ, nếu không cười nổi chỉ cần bỏ dăm chục ngàn đồng mua quả bóng cười hít mấy hơi “khí gây cười”, là đã được một cơn cười. Những cơn cười kiểu này, cụ Nguyễn có tái thế chắc cũng chả tài nào mô tả được. Bởi sau đó là những khoảng trống rỗng tàn khốc không hề có gương mặt con người.
“Khóc chẳng xong ư, anh hãy thử cười” (Chế Lan Viên).
Ừ, cười được thì cứ cười.