Cuộc sống mới của dân vùng sạt lở Trà Leng

0:00 / 0:00
0:00
Khu dân cu Bằng La – nơi ở mới của người dân vùng sạt lở Trà Leng
Khu dân cu Bằng La – nơi ở mới của người dân vùng sạt lở Trà Leng
TP - Những mái nhà đỏ mới dựng san sát nhau, ở giữa khu đất là nhà cộng đồng. Mầm xanh gieo xuống, điện thắp sáng lên. Đó là khu dân cư Bằng La, nơi người dân vùng sạt lở bắt đầu cuộc sống mới sau cơn ác mộng mang tên sạt lở.

Ngày 29/4, UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức lễ khánh thành khu dân cư Bằng La, hạng mục Nhà sinh hoạt cộng đồng, hạ tầng và nhà ở dân cư. Niềm vui an cư đến với người dân, bắt đầu cuộc sống mới.

Khu dân cư Bằng La thuộc thôn 2 xã Trà Dơn. Mảnh đất rộng hơn 6 ha này được người dân Trà Dơn tự nguyện hiến, như một cách dang rộng vòng tay với người Trà Leng sau những bão giông không may ập đến. Sự chan hòa, đoàn kết vốn là điều cốt lõi của những người dân vùng cao.

39 ngôi nhà đã được hoàn thành để các hộ dân mất nhà do sạt lở về an cư. Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My ông Trần Duy Dũng, khu tái định cư Bằng La dự kiến phân lô nhà ở cho 81 hộ gia đình. Ngoài 39 hộ bị mất nhà cửa tại làng ông Đề và làng Tắk Pát số còn lại sẽ được bố trí cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, đảm bảo di dời đến trước mùa mưa bão năm nay.

Già làng Hồ Văn Đề ngước nhìn ngôi nhà cộng đồng 2 tầng khang trang vừa được hoàn thành. Đôi mắt già ánh lên niềm hy vọng. Ngôi nhà cộng đồng khang trang này không chỉ là nơi để sinh hoạt cộng đồng cho dân làng mà còn là nơi tránh trú khi thiên tai.

Chị Đỗ Thị Kim Phượng (39 tuổi) luôn tay xếp những thùng hàng. Đây là chuyến hàng đầu tiên chị nhận về để chuẩn bị mở lại quán tạp hóa. Trước kia ở làng Tắk Pát chị cũng từng có thu nhập ổn với nghề này. Trận mưa lũ hồi tháng 9 năm ngoái cuốn sạch mọi tài sản của gia đình. Cả nhà tháo chạy, thoát chết nhưng chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Chưa biết bắt đầu thế nào thì gia đình chị cùng nhiều người cùng cảnh được mọi người đùm bọc, chia sẻ. Giờ đây, cả nhà dọn đến căn nhà mới ở khu dân cư Bằng La, bắt đầu một cuộc sống mới. “Mừng lắm! Dù mưa lũ đã cuốn sạch tài sản nhưng rất ấm lòng vì những sẻ chia. Giờ thì cố gắng, bắt đầu lại cuộc sống mới ở nơi mới”, chị Phượng chia sẻ.

Hỗ trợ sinh kế để người dân sống dưới rừng

Theo ông Trần Duy Dũng, 39 căn nhà tổng trị giá 5,85 tỷ đồng (150 triệu đồng/căn) được xây dựng từ nguồn kinh phí tài trợ của Tập đoàn Thaco; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh được bàn giao cho các hộ bị mất nhà cửa tại làng ông Đề và làng Tắk Pát. Diện tích mỗi nhà 50,4m2; mô hình nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My.

Sau lễ khánh thành khu nhà ở, công trình trường mẫu giáo Trà Leng chính thức được khởi công. Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ với kinh phí 3 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo việc học cho khoảng 80 học sinh mẫu giáo tại khu tái định cư và các vùng lân cận, đồng thời tiến đến quy hoạch, xây dựng thành điểm trường đạt chuẩn quốc gia sau này.

Có mặt tại buổi lễ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, vấn đề nhà ở của bà con bị thiệt hại do thiên tai gây ra đến nay đã cơ bản được giải quyết nhưng việc ổn định đời sống của người dân trong tương lai cần được quan tâm.

“Đề nghị Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam, huyện Nam Trà My cần quan tâm hỗ trợ các điều kiện phục vụ sản xuất, chăn nuôi cho người dân như bố trí đất sản xuất cho các hộ bị mất đất canh tác, lồng ghép hỗ trợ thêm về sinh kế, cây trồng, con vật nuôi để cho các gia đình sớm ổn định đời sống, sản xuất. Đẩy mạnh việc thực hiện di dời, sắp xếp lại dân cư nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tạo điều kiện về sinh kế để người dân sống được dưới rừng, có vậy mới giảm bớt ảnh hưởng của thiên tai”, ông Hải nhấn mạnh.

Huyện đã triển khai đầu tư đồng bộ đường giao thông nội bộ khu dân cư; Hệ thống cấp nước sinh hoạt; hệ thống cấp điện cho các hộ dân và cổng chào vào khu dân cư. Tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 14 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG