Đại thắng mùa Xuân 1975 - Hội tụ sức mạnh Việt Nam

Cuộc ra quân chưa từng có trong lịch sử dân tộc

Cuộc ra quân chưa từng có trong lịch sử dân tộc
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ IV – 1976 sau khi kết thúc chiến tranh khẳng định: “Không thể có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam nếu không có miền Bắc XHCN…"
Cuộc ra quân chưa từng có trong lịch sử dân tộc ảnh 1
Ra trận                        ảnh: Lâm Tấn Tài

Miền Bắc đã dốc vào cuộc kháng chiến cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN, và đã hoàn thành một cách xuất sắc nhất nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Trước hết để nhận rõ hơn sức mạnh to lớn của hậu phương đã huy động để bảo đảm thắng lợi mang tầm vóc lịch sử và thời đại, điều cần biết là sức mạnh của đối phương như thế nào trong cuộc chiến ấy.

Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh này 6,6 triệu lượt quân nhân Mỹ – vào thời điểm cao nhất năm 1968– 1969 có tới 628.000 quân Mỹ hiện diện trên chiến trường – bằng tổng số lục quân của cả 5 nước Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada, Australia và chiếm 70% tổng số lực lượng lục quân Mỹ lúc bấy giờ, với những sư đoàn thiện chiến nhất như Kỵ binh bay, Tia chớp nhiệt đới, Anh cả đỏ, Thuỷ quân lục chiến, Quân nhảy dù…

Cùng với lục quân, Mỹ huy động 60% không quân chiến lược, chiến thuật với 2.300 máy bay, trong đó có 46% pháo đài bay B52 với hơn 200 chiếc, 42% lực lượng hải quân với hàng trăm tàu chiến trong đó có 15/18 hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, 3.000 xe tăng thiết giáp; 2.000 khẩu pháo hạng nặng từ 120 đến 175mm.

Tính đến tháng 3/1973 quân Mỹ đã ném xuống Việt Nam 14,3 triệu tấn bom đạn. Ngoài ra Mỹ còn sử dụng 100 triệu lít hoá chất trong đó có chất độc da cam/dioxin. Tổng số chiến phí mà Mỹ đã ném vào canh bạc chiến tranh này là 676 tỷ đô la. Đó là chưa kể Mỹ đã lôi kéo hàng vạn quân chư hầu của các nước và sử dụng căn cứ quân sự và hậu cần của các nước lân cận để làm bàn đạp tấn công Việt Nam.

Ngoài ra, Mỹ đã đổ tiền của xây dựng một đạo quân tay sai với 1,1 triệu tên cho chế độ Sài Gòn với trang bị 1800 máy bay, 2000 xe tăng – thiết giáp, 1500 khẩu pháo, 2 triệu khẩu súng các loại, 50.000 xe cơ giới quân sự, hàng trăm tàu, thuyền chiến đấu.

Để chiến thắng kẻ địch với sức mạnh vật chất như thế, bên cạnh yếu tố quyết định là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, tinh thần yêu nước và chiến đấu anh dũng của cả dân tộc, chúng ta phải có một sức mạnh vật chất nhất định.

Chi viện sức người, sức của của miền Bắc cho cuộc chiến đấu ở miền Nam là vô cùng to lớn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến giai đoạn cuối cùng, giai đoạn “đánh cho ngụy nhào”.

Thực hiện nghị quyết Trung ương Đảng về nhiệm vụ quân sự sau Hiệp định Paris đầu năm 1973 với nhận định của Bộ Chính trị “Chúng ta đã tạo nên yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”, ngành hậu cần quân đội đã đề ra kế hoạch tích lũy vật chất trong 3 năm 1973– 1975 vận chuyển vào chiến trường 400.000 tấn hàng các loại.

Khi mở đầu cuộc tấn công mùa Xuân 1975 với chiến dịch Tây Nguyên bằng đòn đánh Buôn Ma Thuột, ngoài các cơ số đã trang bị cho các đơn vị, tại kho hậu cần mặt trận còn có 260.000 tấn hàng dự trữ gồm 100.000 tấn xăng dầu, 90.000 tấn đạn, 70.000 tấn quân lương, quân nhu, quân y.

Để đảm bảo triển khai ngay quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa 1975, không để địch kịp trở tay, sau khi ta đã giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng miền Trung, ngày 25/3/1975 Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 241 thành lập Hội đồng chi viện tiếp cho miền Nam với nhiệm vụ động viên cao độ sức mạnh của cả nước và tổ chức vận chuyển tiềm lực của hậu phương miền Bắc vào chiến trường do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch cùng 7 thành viên, trong đó có tướng Hoàng Văn Thái - Thứ trưởng Quốc phòng, đồng chí Chế Viết Tấn hàm Bộ trưởng - Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước - chuyên trách giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi chỉ đạo tuyển  quân và vận chuyển chi viện chiến trường.

Nhằm tập trung tạo nên sức mạnh tổng hợp của quả đấm chiến lược với đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh để tiêu diệt cả tập đoàn lực lượng lớn quân địch gồm 245.000 tên đang co cụm lại về cố thủ Sài Gòn – Gia Định, ta đã huy động 300.000 quân thuộc lực lượng của 5 Quân đoàn bộ binh và 80 Lữ, Trung đoàn gồm bộ đội đặc công và các binh chủng kỹ thuật, trong đó có 520 xe tăng, 1450 khẩu đại pháo mặt đất và cao xạ tầm cao, tên lửa SAM đất nối không, đó là chưa kể các lực lượng an ninh, biệt động cùng phối hợp trực tiếp tham gia chiến dịch này.

Bảo đảm vật chất kỹ thuật cho chiến dịch, ngành hậu cần quân đội đã huy động 14.000 ôtô và hàng trăm chuyến bay cầu hàng không vận tải quân sự, cùng 8.000 ôtô, 32 tàu biển, 315 toa đường sắt của các cơ quan Nhà nước để cơ động bộ đội và vận tải hàng ra mặt trận.

Riêng xăng dầu cung cấp cho lực lượng cơ giới chiến đấu và vận tải với tổng kho dự trữ với 150.000m3 - được chuyển qua 5.000km đường ống từ miền Bắc vào qua 8 Binh trạm với 46 Tổng kho đến Lộc Ninh - Đông Nam Bộ trước ngày khai diễn chiến dịch Hồ Chí Minh 26/4/1975.

Ngoài vật chất trang bị theo các cơ số cho 5 cánh quân chủ lực và các binh chủng, còn có 60.000 tấn hàng dự trữ sẵn sàng tại các kho giáp cận sát mặt trận, trong đó có 40% lương thực thực phẩm, cùng 1.000 tấn thuốc và dụng cụ y tế với 17 bệnh viện dã chiến, 18 đội điều trị, 5 đội phẫu thuật của cả quân y và dân y…

Trong suốt toàn bộ chiều dài lịch sử của đất nước ta, có thể nói đây là cuộc ra quân chưa từng có.

Thời điểm năm 1975, ở miền Bắc nước ta dân số chỉ có 17 triệu người, trong khi đó quân số của các lực lượng vũ trang ta lúc cao nhất đã lên tới 2,26 triệu – chiếm 13,3% số dân và 22% lực lượng lao động. Nếu tính cả số người phục vụ chiến đấu như hàng chục vạn Thanh niên Xung phong, mấy chục vạn chiến sĩ giao thông vận tải, lực lượng dân công, dân quân tự vệ, công nhân xí nghiệp quốc phòng… thì lúc bấy giờ cứ một chiến sĩ vũ trang có một người trực tiếp phục vụ chiến đấu.

Cho nên nhân lực miền Bắc đã dốc sức cho cuộc chiến đấu này đến 4,5 triệu người bằng 44% lực lượng lao động lúc ấy. 70% hộ gia đình ở miền Bắc đều có người thân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường. Từ hậu phương lớn đã dốc cho miền Nam tính tròn không dưới 100 triệu tấn hàng – bao gồm đạn dược, lương thực, thuốc men, quân dụng và 96 triệu tấn xăng dầu.

MỚI - NÓNG