Cuộc gặp gỡ của 3 thế hệ đồ họa

Tác phẩm “Hội An trong mắt tôi” của họa sĩ Trần Nguyên Đán
Tác phẩm “Hội An trong mắt tôi” của họa sĩ Trần Nguyên Đán
TP - Những mảng màu đậm chất văn hóa Việt của họa sĩ Trần Nguyên Đán; những cách thức biểu đạt, tạo hình kinh điển, hàn lâm của hội họa thế giới trong tác phẩm của họa sĩ Lê Mai Khanh; cho đến những bước chuyển mình, sáng tạo trong nghệ thuật của họa sĩ Phạm Khắc Quang. Tất cả cùng hội tụ trong triển lãm “Khắc họa”.

Triển lãm “Khắc họa” trưng bày hơn 50 tác phẩm đồ họa của 3 họa sĩ: Trần Nguyên Đán, Lê Mai Khanh và Phạm Khắc Quang. Mỗi người mang đến một phong cách khác nhau, như một sự minh chứng cho các bước hành trình của đồ họa Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại và hiện đại. Thông qua tuyển tập chắt lọc này, người xem sẽ nhìn thấy một giai đoạn quan trọng với những đóng góp của các nghệ sĩ đồ họa tạo hình Việt Nam trong bức tranh chung của Mỹ thuật Việt.

Cuộc gặp gỡ của 3 thế hệ đồ họa ảnh 1 Tác phẩm “Bé Phương” của cố họa sĩ Lê Mai Khanh

Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và từng giữ chức vụ Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông từng có nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm ở trong nước, ngoài nước với nhiều giải thưởng cao và vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007. Tranh của ông vừa mang tính tả thực, biểu hiện, vừa trừu tượng, phảng phất một chút siêu thực, nhưng luôn thấm đẫm tính dân gian truyền thống.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán đến với đồ họa rất tình cờ. Ban đầu, ông học về tranh kiến trúc, tuy nhiên, năm cuối đại học, lúc đang đi sơ tán, ông bắt chước bạn bè làm ba bức tranh khắc gỗ, không ngờ ba tranh đó được trưng bày ở triển lãm do Hội Mỹ thuật tổ chức, sau đó một tranh được Bảo tàng Mỹ thuật mua, một tranh đoàn khách bên Ý mua. Từ đó, ông quyết tâm tìm hiểu về dòng tranh khắc gỗ, phát triển nó và trung thành với nó đến ngày hôm nay.

Cuộc gặp gỡ của 3 thế hệ đồ họa ảnh 2 Tác phẩm “Bà nội” của họa sĩ Phạm Khắc Quang

Tranh của ông sử dụng đa dạng về đường nét, đường thẳng phối hợp với đường cong, đường tròn, đường gấp khúc. Nhịp điệu trong tranh bộc lộ ở các mảng, ở đường nét đa dạng, trong sự đậm nhạt của màu sắc. Có những mảng trắng, mảng trống không họa tiết nhưng có những mảng lại dày đặc, cái nọ tôn cái kia. Đấy là nét riêng biệt của tranh khắc gỗ Trần Nguyên Đán, có thể thấy trong các tác phẩm: Phố cổ Hội An, về chợ phiên Bắc Hà, Bến Đục chùa Hương, Múa khèn…

“Tôi không sáng tạo theo cái yêu thích của người xem mà tôi áp đặt người xem theo cái tôi làm. Có người chửi, có người phê phán, có người không thích là chuyện bình thường. Nhưng đó mới là thứ tôi truyền đạt lại. Đó mới là sáng tạo. Anh càng tự do bao nhiêu, anh càng chủ quan bao nhiêu thì sáng tạo mới xảy ra”, ông chia sẻ.

Triển lãm “Khắc họa” cũng cho công chúng được một lần nữa “gặp lại” cố họa sĩ Lê Mai Khanh. Tài năng và khiêm nhường, cảm xúc và lý tính, yêu thương và nghiêm khắc, ấm áp và chông chênh… đó là những cảm nhận của người xem khi chiêm ngưỡng các tác phẩm của bà. Sinh năm 1952, mất năm 2017, họa sĩ Lê Mai Khanh từng tốt nghiệp và tham gia giảng dạy ở trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.

Từ những bức tranh khắc đồng, khắc kẽm miêu tả quang cảnh đường sắt, gầm cầu, bến thuyền đến những bức tranh khắc gỗ về sau này với hình tượng rối nước làm chủ đạo, nghệ thuật của họa sĩ Lê Mai Khanh hiện lên hồn hậu và chất phác, gần gũi với đời sống, tâm tư, tình cảm của người Việt. Với cách thức biểu đạt, tạo hình kinh điển, hàn lâm của hội họa thế giới, nữ họa sĩ đã đưa vào trong tranh những hình tượng gần gũi, thân quen của đồng quê, nông thôn Việt Nam một cách tự nhiên như các bức Thổi sáo, Chăn trâu, Bé Phương… Màu sắc, đường nét của tác phẩm luôn cho thấy sự bay bổng trong một không gian hòa quyện giữa siêu thực và hiện tại.

“Thời kỳ đầu, tranh của mẹ tôi chuyên khai thác chủ đề gia đình, đặc biệt là hình ảnh bà cháu. Mẹ tôi cũng vẽ nhiều về các hoạt động sản xuất ở tàu thuyền, bến bãi… Sau này, bà khai thác mô tip múa rối nước và rất thích thú mô típ này”, họa sĩ Phương Mai (con gái họa sĩ Lê Mai Khanh) cho biết.

Là một học trò của cố họa sĩ Lê Mai Khanh, họa sĩ Phạm Khắc Quang cũng chia sẻ: “Tranh của cô vừa mang tính biểu hiện trừu tượng, vừa có tính đồng hiện, vừa có ý niệm dân gian. Tôi nhớ mãi lời cô dặn dò, rằng sau này ra trường, khi em trở thành một nghệ sĩ thì phải ngang như cua. Tôi biết ý cô mong muốn đã là nghệ sĩ phải tạo được dấu ấn riêng, phải sáng tạo không ngừng”.

Là một trong ba nghệ sĩ tham gia triển lãm lần này, Phạm Khắc Quang cũng mang đến cho người xem một tổng kết nhỏ sau 15 năm anh “sa chân” vào đồ họa. Người xem có cơ hội nhìn lại quá trình sáng tác miệt mài, thử nghiệm, sáng tạo không ngừng của nam họa sĩ sinh năm 1975 này.

Tốt nghiệp khoa Đồ họa, trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, các tác phẩm giai đoạn đầu của Phạm Khắc Quang mang nhiều dấu ấn học thuật. Anh làm tranh khắc gỗ với tất cả những kiến thức được học từ nhà trường, từ ý tưởng, sắp đặt trong tranh, cấu trúc, ánh sáng, sắc độ đậm nhạt, hình khối... Càng làm, anh càng đi sâu vào khám phá kỹ thuật khắc gỗ và tiếp cận với nghệ thuật khắc gỗ phá bản.

Khi đã nhuần nhuyễn rồi, Quang lại không chịu ở yên trong “vùng an toàn”, lại bắt đầu làm các hiển thị trên tinh thần hiệu ứng của các chấm tròn và các biểu đồ, từ sự cộng hưởng ánh sáng, màu sắc của các chấm tròn. Mỗi lần quan sát cuộc sống, đầu anh lại nảy ra ý tưởng mới. Đó là những mũi khoan, là hòn bi ve, là những con tem của khách du lịch…

Hiện tại, Quang đang say với những mã vạch. “Trong bối cảnh xã hội thời đại công nghệ 4.0, tôi nhìn thấy quá nhiều thứ khô khan và đồng điệu: những công nghệ số, những tín hiệu số... Tôi không muốn vẽ một đề tài đương đại mang tính một câu chuyện văn học, tôi muốn dùng một ngôn ngữ, một tín hiệu mang tính đương đại, mang tính thời đại để giải quyết những gì mình mong muốn. Vì thế, tôi tìm đến ngôn ngữ của mã vạch”. Và với anh, chắc chắn chưa dừng lại, bởi Phạm Khắc Quang tâm niệm: “Nghệ thuật không có giới hạn và cũng không có điểm đến. Nghệ thuật là một hành trình để ta đi, đi đến đâu thì biết nghệ thuật đến đó. Sáng tạo luôn luôn thay đổi, người nghệ sĩ cũng vậy, luôn luôn có những khát khao thì cái mới sẽ đến với mình”.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 27/2/2021, tại Lunet Art Galerie, sảnh tầng 1, khách sạn Pan Pacific Hanoi - số 1 đường Thanh Niên, Ba Đình, Hà Nội.

MỚI - NÓNG