> Học sinh, phụ huynh đi thi bị 'vây hãm'
Nhiều gương mặt phờ phạc lo âu trên các phương tiện ấy tất thảy là người nhà của các học sinh dự thi vào lớp 10.
Học sinh và phụ huynh sau giờ thi vào lớp 10 ngày 21-6 tại Hà Nội. Ảnh: Trường Phong. |
Nói riêng Hà Nội và TPHCM, cứ 100 học sinh thi, chỉ 60-70 em được vào các trường công lập và trường chuyên. Trong 130.000 học sinh lớp 9 ở hai đô thị lớn nhất nước này, 40.000 - 50.000 em sẽ không có cơ hội vào các trường công lập, trường chuyên.
Trượt đại học, các em có thể còn có nhiều cửa khác bao gồm cao đẳng, trung học, học nghề, thậm chí lao động phổ thông. Vào tuổi công dân, các em cũng đủ chững chạc và gia đình cũng bớt lo phần nào.
Nhưng ở cái tuổi vào lớp 10, trẻ con chưa hết người lớn chưa tới, các em không vào được nơi để cầm cố cho một tương lai an toàn quả là vượt quá sức chịu đựng của một gia đình truyền thống ở VN.
Bởi sức ép tâm lý ghê gớm ấy, nhiều phụ huynh mất ăn mất ngủ hơn cả lo cho con em thi vào đại học. Một gia đình có con học ở Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội, chấp nhận mỗi ngày chi thêm 300.000 đồng cho gia sư kèm con ở nhà, chưa kể các lớp học thêm đại trà ở trường.
Một nữ sinh Trường L.V.T. ở TP HCM ngồi sau xe máy ăn cơm trong lúc cha chở đến một trung tâm học thêm. Cơm được mẹ mang từ nhà đến trường ngay sau khi em tan học. Sáng, em được mẹ nhồi thật no để cầm cự được cho đến chiều.
Trẻ em VN có lẽ thuộc hàng khổ nhất thế giới nếu biết các em bị ép lao vào cuộc chạy đua vượt hàng loạt vũ môn. Luyện viết chữ và làm toán để thi vào lớp 1.
Luyện thi để vào lớp 6. Rồi thi vào lớp 10. Rồi thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Rồi đại học. Mỗi lần như thế là một lần căng thẳng cả về tâm lý lẫn thể chất cho không chỉ các em.
Theo Bác sỹ Hải Vân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, tình trạng trẻ em mắc các bệnh tâm thần, nhất là trầm cảm, đang gia tăng. Nguyên nhân chính có thể do áp lực học hành quá nặng nề và liên tục.
Vì đâu xảy ra cuộc chạy đua không ngừng nghỉ, làm náo loạn từng gia đình và cả xã hội thế này? Một hệ thống giáo dục từ cấp thấp đến cấp cao quá thiên về lấy thành tích và bằng cấp làm thước đo?
Phải chăng chính hệ thống có nhiều khuyết tật ấy đã khiến cho người người, nhà nhà lao vào cuộc chạy đua đường dài cho đến đứt hơi chỉ vì danh và bằng?