> Trách nhiệm của văn chương '10 đầu ngón tay'
Thảo luận văn xuôi cởi mở tại Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Phòng thảo luận thơ trẻ do nhà thơ Bằng Việt, Phan Huyền Thư, Nguyễn Danh Lam và Trịnh Sơn chủ trì. Không gian không đủ đón cử tọa, khiến nhiều người dù yêu thơ vẫn tìm đến cùng ngồi cuộc thảo luận văn xuôi.
Nhà thơ Hữu Việt tâm đắc với cách điều hành chững chạc của bộ ba nhà văn ngồi ghế chủ tịch đoàn văn xuôi: Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Đình Tú và Phong Điệp, biết cách tạo cơ hội trao đi đổi lại. Thêm nữa, hiếm có cuộc nào mà trao đổi nghề giữa hai thế hệ cởi mở, bình đẳng như thế.
Tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma mở đầu cho cuộc đối thoại bình đẳng giữa hai thế hệ, bằng nhận xét thẳng thắn về những người viết trẻ: Tính xã hội của tác phẩm chưa cao, tác phẩm chưa đánh trúng vào nhu cầu của xã hội, cho nên từ trường còn hạn hẹp.
Các nhân vật còn loay hoay trong chiếc áo cá nhân tù túng, chưa có sức tỏa sáng, lay gọi người đọc. Và hình như người viết trẻ bây giờ hầu như không viết về người nông dân, vấn đề tam nông nóng bỏng nữa.
Đáp lại phát biểu của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Thị Mai Phương (Bắc Giang) chia sẻ, bản thân chị cũng trung thành với đề tài nông thôn, người nông dân. Nông thôn bây giờ vỡ ra rất nhiều vấn đề.
Trong khi Mai Anh Tuấn, tác giả cuốn Giảng đường yêu dấu không đồng tình với lối chạy theo chủ nghĩa đề tài: “Chẳng lẽ cứ viết về tam nông thì giá trị hơn đề tài tình ái, cứ viết về chiến tranh là sang trọng hơn vấn đề chợ búa?”. Ý kiến nhận sự đồng tình của nhà văn Đình Kính: Thế giới không còn chạy theo kiểu văn chương đề tài.
Đứng trong hàng ngũ người viết trẻ, nhà văn Uông Triều cho rằng: “Khó đòi hỏi người viết trẻ phải trải nghiệm, thấm sâu một số vấn đề như chiến tranh, cải cách ruộng đất. Theo cảm nhận của tôi, hình như các bác nhà văn trưởng thành hơi sốt ruột, khi thấy giới trẻ thử nghiệm nhiều. Các nhà văn đi trước không nên băn khoăn quá nhiều về thế hệ chúng tôi, cũng không nên khoác cho giới trẻ trách nhiệm quá cao”.
Trước thềm Hội nghị, Nhã Thuyên đau đáu rằng nhà văn trẻ gần như không đọc nhau, ít đọc nhau mà khi không thực sự đọc nhau thì rất khó nói đến chia sẻ quan tâm thực tế, trao đổi sâu hơn về nghề. Là người viết lí luận, Nhã Thuyên kêu gọi người viết trẻ có ý thức đọc để cập nhật từ cách chọn đề tài, cách viết, cách nghĩ và cách nhà văn xuất hiện trước công chúng. Cũng “kể tội” người viết trẻ, Đoàn Minh Tâm quan ngại ngày nay người viết trẻ ngại viết, có người cả thời gian dài không viết gì.
Nhà văn có cần đi thực tế để viết hay không, khi nhiều người viết trẻ bây giờ than cạn vốn, cạn cảm xúc. Hẳn không ít người hài lòng với chia sẻ của nhà văn Đội gạo lên chùa Nguyễn Xuân Khánh: “Thực tế là những gì mình sống. Mỗi người nên có một vùng, khu phố, làng của mình, sẽ cho mình những điều tưởng chừng không dùng đến, nhưng sau này rất hữu ích trong quá trình tưởng tượng tổng hợp. Vốn sống còn là sách vở. Không có kiến thức sách vở, tôi cho rằng ta không bao giờ làm được cuốn sách ra hồn.
Thơ trẻ hướng đến cộng đồng mạng? Trương Hồng Tú (sinh năm 1990): Lượng độc giả các mạng xã hội rất lớn, họ có nhu cầu lớn về thơ ca. Người sáng tác không đưa tác phẩm lên cộng đồng mạng là điều thiệt thòi. Giới trẻ yêu thơ đấy, nhưng họ giao tiếp với nhau chủ yếu trên trang mạng xã hội, nên phát triển sân thơ theo hình thức này rất tốt. Nhưng có khó khăn, đó là họ khen, chê rất cảm tính. Trương Trọng Nghĩa (Tiền Giang), tác giả trang web thotre.com: Ngày nay, không ít bạn chọn con đường làm thơ rồi đưa lên mạng. Nhưng cũng phải nhìn thấy tình trạng vàng thau lẫn lộn, có thơ hay, có cả thơ rác. Bạn đọc cần bình tĩnh, sáng suốt lựa chọn. Trang web của tôi tập hợp cộng đồng yêu thơ, văn nhờ hoạt động liền mạch từ 2003 đến nay, từng tổ chức thành công cuộc thi thơ. Tôi xuất bản tập thơ đầu tay năm 2006, có thẩm định của cộngđồng mạng trước, cuối năm nay tôi xuất bản tập mới. Nguyễn Phong Việt (TPHCM) : Hầu hết tác phẩm của tôi xuất hiện trên mạng, tôi hiểu được sức mạnh của mạng internet với người viết trẻ. May mắn tác phẩm của tôi nhận được sự đồng cảm của họ, họ giúp mình lan tỏa tác phẩm. Tháng 12 này tôi đủ tự tin xuất bản tập thơ đầu tiên, tác phẩm nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng thời gian qua. |