Cuộc 'di cư' mới của loạt doanh nghiệp bất động sản phía Nam

TPO - Sau phong trào Nam tiến của các chủ đầu tư phía Bắc thì đến lượt các doanh nghiệp đến từ TPHCM thông qua hình thức mua bán sáp nhập, phát triển dự án đã xâm nhập thị trường Hà Nội bằng nhiều cách khác nhau.

Ồ ạt Bắc tiến

Doanh nghiệp phía Nam Bắc tiến gần đây nhất là Masterise Group, khi hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án tại Hà Nội có liên quan đến doanh nghiệp này được tiết lộ. Trong đó có việc Masterise Group thông qua các công ty con và thành viên đã liên tiếp chi tới hàng ngàn tỷ động để thâu tóm lại nhiều dự án nằm trong khuôn viên Vinhomes tại Tây Mỗ - Đại Mỗ và ở Gia Lâm, Long Biên. Ngoài ra, Masterise Group cũng cũng hiện diện tên tuổi của mình tại dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của Handico 9.

Cuộc 'di cư' mới của loạt doanh nghiệp bất động sản phía Nam ảnh 1 Masterise Groupcũng cũng hiện diện tên tuổi của mình tại dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của Handico 9.

Cụ thể, tòa N01 của Premier Berriver Long Biên đã được khởi công từ năm 2018 và mở bán vào cuối 2019. Theo giới thiệu, đây là tòa tháp được kết hợp bởi Hanco 9 trong vai trò chủ đầu tư và Masterise Group trong vai trò người góp vốn. Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác phân phối dự án Premier Berriver với Đất Xanh Miền Bắc, đại diện Masterise Group khẳng định thương vụ hợp tác với Đất Xanh Miền Bắc là dấu mốc mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai bên, để cùng phát triển nhiều dự án tiếp theo.

Một “đại gia” khác đến từ TPHCM là Công ty CP Địa ốc Phú Long cũng đã góp mặt thông qua thương vụ mua lại 50% phần góp vốn của Posco E&C tại dự án Spendora. Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) là một trong những dự án quy mô lớn nhất được quy hoạch và đầu tư tại phía Tây Hà Nội, với tổng diện tích lên tới hơn 264ha nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Song Phương, Vân Canh.

Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc cũng ghi nhận sự nhập cuộc của các đại gia địa ốc đến từ phương Nam. Him Lam Land công bố ra thị trường dự án khu đô thị Him Lam Green Park 26,8ha tại Bắc Ninh. Với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, khu đô thị cung cấp số lượng sản phẩm lớn gồm 666 nhà phố liền kề, 22 biệt thự và 1.926 căn hộ.

Hải Phòng lại ghi dấu ấn đầu tiên của Tập đoàn Nam Long khi bắt tay vào triển khai dự án Khu đô thị Nam Long-Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) với quy mô 21ha. Theo thông tin từ Nam Long, tiến độ dự án triển khai thành 2 giai đoạn, cung cấp cho thị trường khoảng 850 biệt thự, nhà phố thương mại, 2.200 căn hộ kèm theo hệ thống tiện ích như trường học, trung tâm thương mại, công viên cây xanh, sân thể dục thể thao…

Còn tại Lạng Sơn, hồi tháng 3/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của Công ty May Diêm Sài Gòn và Công ty CP Xây dựng và Quảng cáo Địa ốc Việt Hân.

Tương tự, Công ty Phú Mỹ Hưng gây chú ý khi vay khoảng 75 triệu USD để phát triển khu đô thị tại tỉnh Hòa Bình sau khi đã hoàn tất thâu tóm hơn 99% cổ phần của Công ty CP Đầu tư San Nam Hòa Bình. Dự án này có quy mô hơn 405,7ha, Phú Mỹ Hưng dự kiến tạo dựng một resort tiêu chuẩn quốc tế cũng như khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường với mức giá hợp lý để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Hòa Bình.

Mở sàn môi giới đón khách

Không chỉ các chủ đầu tư góp vốn vào dự án, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng tranh thủ mở sàn ở Hà Nội để dễ dàng đón dòng tiền của khách hàng phía Bắc. Mới đây nhất, Tập đoàn Bất động sản Trần Anh Group đã có cuộc Bắc tiến, khi xây dựng loạt hệ thống sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội.

Cuộc 'di cư' mới của loạt doanh nghiệp bất động sản phía Nam ảnh 2

Him Lam Land công bố ra thị trường dự án khu đô thị Him Lam Green Park 26,8ha tại Bắc Ninh.

Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh cho biết, trước đây doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường phía Nam khi xây dựng hơn 10 sàn giao dịch bất động sản ở nhiều tỉnh thành như Long An, TPHCM, Bình Dương. Tuy nhiên, từ năm 2019 tới nay, Trần Anh Group đã liên tục phát triển những dự án với dòng sản phẩm chủ đạo là nhà phố, biệt thự và qua khảo sát lượng hàng hàng mua thì thấy rằng khách hàng đến từ phía Bắc mua sản phẩm của Trần Anh Group đang chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó, Tập đoàn Trần Anh quyết định xây dựng hệ thống sàn bất động sản tại các tỉnh phía Bắc để tiếp cận khách hàng tốt nhất.

Tập đoàn Novaland đã khai trương Trung tâm Bất động sản Novaland tại số 63-65 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trung tâm Bất động sản Novaland tại Hà Nội sẽ là cầu nối để giới thiệu kịp thời đến các nhà đầu tư miền Bắc những sản phẩm mới nhất của Tập đoàn, giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trọn gói từ Novaland như dịch vụ hậu mãi, dịch vụ cho thuê chuyển nhượng…

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã mở sàn giao dịch môi giới bất động sản tại Hà Nội. Đây là một trong những doanh nghiệp địa ốc đầu tiên của TPHCM mở sàn giao dịch bán các sản phẩm bất động sản phía Nam ở Hà Nội. Công ty CP DKRA Việt Nam cũng cho biết, đang có kế hoạch phát triển thêm 1 sàn môi giới tại Hà Nội sau khi vừa mở 1 sàn môi giới bất động sản tại Đà Nẵng.

Nước chảy về chỗ trũng

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, không chỉ các chủ đầu tư TPHCM có mong muốn đầu tư tại Hà Nội mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt với thị trường Hà Nội.

Theo bà Hằng, hiện tượng này là dễ hiểu. Có nhiều yếu tố khiến thị trường Hà Nội thu hút nhà đầu tư. Thứ nhất, pháp lý là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, các nhà đầu tư TPHCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà đầu tư TPHCM, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam.

Cuộc 'di cư' mới của loạt doanh nghiệp bất động sản phía Nam ảnh 3 Không chỉ các chủ đầu tư góp vốn vào dự án, nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng tranh thủ mở sàn ở Hà Nội để dễ dàng đón dòng tiền của khách hàng phía Bắc.

Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận tư vấn đầu tư Savills Hà Nội chia sẻ, các chủ đầu tư tại TPHCM có thế mạnh trong việc phát triển đa dạng các mô hình kinh doanh nhà ở. Việc các chủ đầu tư lớn bao gồm trong nước và nước ngoài đều tập trung ở TPHCM như Capital Land, Mitsubishi, Nam Long, Masterise giúp nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cho các dự án tại Hà Nội.

“Nguồn đất tại TPHCM đang ngày càng khan hiếm đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển từ TPHCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới”, bà Minh nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, lượng tin đăng ở khu vực miền Bắc có xu hướng tăng cao, kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19 cho đến hiện nay. Bên cạnh đó, lượng giao dịch của thị trường bất động sản miền Bắc vẫn duy trì ở mức tốt, đặc biệt là phân khúc nhà đất thổ cư. 

“Dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường miền Bắc khiến cho khu vực này ghi nhận lượng quan tâm cao. Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến do thị trường bất động sản khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư tại Hà Nội cũng đang quay trở lại khu vực này và cả các khu vực lân cận”, ông Quốc Anh nói.

Ông Nguyễn Quốc Anh cũng tiết lộ thêm, trong quý 4/2020, sẽ có thêm nhiều đầu tư có tiếng ở thị trường miền Nam gia nhập miền Bắc. Theo quy luật, dòng tiền vào đâu nhiều thì giá bất động sản ở đó sẽ tăng.

MỚI - NÓNG