> Tết này: Săn rồng & 'phượt' xa
Tuy vậy, có mấy câu sau đây, nhân ngày Xuân năm Thìn, đàm luận một chút cũng vui:
“Trong lưng chẳng có một đồng,
Lời nói như rồng,
chúng chẳng buồn nghe.
Vai mang túi bạc kè kè,
Nói quấy, nói quá,
người nghe ầm ầm”
Câu ca xưa có thể hình dung như là một vở kịch vui có hai cảnh tương phản. Có thể đạo diễn sẽ chia sân khấu làm đôi. Một bên, diễn giả còm-lê cà-vạt nghiêm chỉnh, vung tay ban “lời rồng” (đại thể như: “Chúng ta một đất nước từng tự hào con Rồng cháu Tiên, có 4000 năm văn hiến, với ý chí dời non lấp biển, nhất định sẽ hóa Rồng nay mai…); nhưng thính giả toàn ngồi ngủ gật hoặc tán tỉnh nhau…
Bên kia, diễn giả bụng bự, miệng nhờn mỡ, ăn mang thoải mái kiểu như… trưởng giả đời mới, nói năng thì bỗ bã: “Này, tôi nói thật, đừng có hy vọng nhất thân nhì thế, ai hứa chi đậm phần trăm hoa hồng thì trúng! Hề hề, tôi nói vui đó, đây trong sạch vững mạnh 100%...”;
Trên bàn, một cạc-táp căng phồng chìa ra những chiếc thẻ ghi từ “Dự án A” cho đến “Dự án Z”; thính giả thì không ngồi mà ai cũng như chồm lên, các hàng ghế đã chật nhưng người còn chen đầy ở khung cửa…
Màn kịch tương phản cũng là cảnh đời thật đang diễn ra nơi này, chỗ khác. Như thế, kể cũng đáng buồn phải không các bạn.
Cái “túi bạc kè kè” thật ra chỉ là biểu tượng của sức mạnh vật chất (nó có thể là “đô la”, mà cũng có thể là các “dự án” béo bở hay các thông tin dễ biến thành tiền, ví như thời điểm tăng giá để găm hàng, quy hoạch mở đường để xí phần đất mặt tiền…); cũng như anh chàng “trong lưng chẳng có một đồng” chỉ là cách diễn tả loại người rỗng tuếch cả vật chất lẫn tinh thần, những kẻ ăn theo nói leo, nhưng thường cao đàm khoát luận, ưa tuyên ngôn những “lời rồng”, những điều to tát.
Thực ra, chỉ là buồn cho những kẻ không làm ra tiền (hoặc là mang khối tiền có dấu “âm” như các ông chủ luôn kinh doanh sản xuất thua lỗ), trí tuệ thì cùn mòn mà vẫn nuôi ảo tưởng ở những “lời rồng” đã… lỗi thời như uy quyền vua chúa ngày xưa.
Còn mừng cho công chúng đã tỉnh ngộ, không “thèm nghe” những “lời rồng” rỗng tuếch nữa. Còn “túi bạc”, bản thân nó có chi là đáng chê trách - ngược lại, có thể nói: đồng tiền là một sáng tạo kỳ diệu của nhân loại.
Bây giờ, lắm sự tha hóa vì đua đòi hưởng thụ, nên đã có người kêu lên: “Ước gì trở lại ngày xưa!” Đó là một cách phản ứng tự vệ, hoặc là cách nói cực đoan, chứ giả như cho “anh” sống lại cái “ngày xưa” khi nhân loại chưa biết dùng đồng tiền, bắt “anh” phải “vác” hàng tấn lúa vào… TPHCM chẳng hạn, cho con vừa đậu vào đại học (thay vì chỉ ra bưu điện gửi tiền, gọn nhẹ hơn nữa là mở một tài khoản) thì trăm phần trăm “anh” sẽ vái lạy để được hưởng cuộc sống tiện lợi hôm nay nhờ đồng tiền mà có.
Vậy nên cảnh “người nghe ầm ầm” cái anh chàng “mang túi bạc” - mặc dù anh ta “nói quấy nói quá”, xét về một khía cạnh nào đó cũng là điều đáng mừng. Đó là những con người đã vượt qua thời kỳ mê “lý thuyết suông”, biết nhìn vào thực chất, thực tài. Và tất nhiên, lúc đó “nói quấy nói quá” chỉ là cách diễn tả khiêm tốn hoặc phóng đại lối giao thiệp đơn giản, có khi là xuề xòa.
Điều đáng cảnh tỉnh là cái “túi bạc” đem ra ban phát ấy phải chính đáng - tức không thể là “tiền bẩn” mang đi “rửa” - và người ban phát phải chính danh, chứ đừng ấm ớ kiểu “xôi làng ơn lý trưởng”, càng không thể là loại tiền… ăn gian như kiểu mấy vụ “tín dụng đen” hàng trăm tỷ vừa bị vỡ nợ, ôm cục tiền của thiên hạ mà dám “nói quấy nói quá” để bà con tưởng lầm, “ầm ầm” chạy theo gửi thêm hòng kiếm lãi cao…
Mùa Xuân năm Thìn đang gõ cửa, hy vọng là sẽ bớt những kẻ huyên thuyên vẽ những “lời rồng” đầy ảo tưởng, cũng như sẽ diệt trừ được bọn ôm “túi bạc” to đùng của công quỹ, mạo danh đi ban phát lợi lộc cho loại người hám lợi dễ “mờ mắt” hay mê mẩn vì đồng tiền, bất kể nó “sạch” hay “bẩn”.
Cho dù là huyền thoại, đã xưng là “con Rồng cháu Tiên” thì ắt phải biết chọn cách sống đẹp đẽ để đất nước sớm được “hóa Rồng”…