Ung thư gõ cửa
Sau một lần mổ lấy khối u và 15 đợt hóa xạ trị, cơ thể Hùng dần suy kiệt, da trắng nhợt, mỗi bữa chỉ ăn được vài thìa cháo, nằm co quắp trên giường bệnh, chân tay không thể cử động,...Hiện toàn bộ não bộ bị khối u xâm lấn 1/2 với 7 khối u cả cũ và mới. Từ ngày Hùng bị ung thư, những tài sản quý giá nhất trong nhà cũng lần lượt “đội nón ra đi”.
Phan Văn Hùng (SN 1988, quê ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An) từng là một bác sỹ giỏi, được nhiều đồng nghiệp yêu mến tại Bệnh viện 115. Thế nhưng, sóng gió ập đến vào đầu tháng 10/2019 khi anh thấy đầu nhói đau từng cơn, người mệt mỏi, trí nhớ kém,... Nhận thấy cơ thể không khỏe, anh đi khám. Mục chẩn đoán bệnh ghi: “U não”. Cầm tờ kết quả trên tay, Hùng như chết lặng. Là một bác sỹ, Hùng luôn ý thức giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ và thể dục thể thao thường xuyên. Hùng không tin bệnh ung thư có thể “điểm danh” mình. Rồi anh sợ. Sợ phải tới bệnh viện, sợ phẫu thuật, sợ nhìn thấy những người giống mình, mặc áo bệnh nhân với cái đầu trọc do tác dụng phụ của hóa xạ trị,...
Những ngày sau đó là những chuỗi ngày vô cùng kinh khủng đối với Hùng. Cơn đau ngày càng dữ dội sau những lần phẫu thuật, xạ trị, hóa trị khiến một chàng trai vốn hiền lành, dễ tính cũng trở nên cáu kỉnh và khó chiều. Nhớ lại hành trình đưa con đi chữa bệnh, ông Phan Văn Bảy (52 tuổi, bố Hùng) thở dài: “Đó là một hành trình dài và gian nan…”! Người cha già kể: “Sau khi phát hiện bệnh tình của Hùng, gia đình đưa con ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám. Các bác sỹ chẩn đoán bị u não đa ổ. Điều trị một thời gian, được chuyển qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh rồi qua Bệnh viện 109. Hơn 10 ngày sau về nhà, gia đình phải đưa con vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chữa trị. Chi phí hết sức tốn kém”.
Đi viện rồi về nhà, về nhà rồi đi viện, chu kỳ đó quay vòng suốt nửa năm trời khiến người cha vốn dĩ mạnh mẽ như ông Bảy có lúc cảm thấy đuối sức. Nhưng ông luôn tự nhủ phải cố gắng gấp nhiều lần hơn nữa cùng con chiến đấu bệnh tật. “Lần xạ trị tại bệnh viện 109 Hà Nội, em nó bị co giật 2 lần và tim ngừng đập mất 1 giờ đồng hồ…”, nói đến đây, ông Bảy nghẹn ngào.
Ông Bảy ôm mặt khóc. Cảm giác tuyệt vọng, bất lực của người cha đứng nhìn con đang buột khỏi tay mình khiến người ngoài như tôi thấy nhói lòng. “Lúc đó như có một luồng điện chạy từ đỉnh đầu xuống gáy khiến tôi tê liệt, người đơ cứng, không nói được câu gì. Cảm giác thật kinh khủng, nó ám ảnh tôi cho đến bây giờ”. Ông Bảy chia sẻ.
Nước mắt người nghèo
Điều oái oăm là đa số người mắc bệnh ung thư đều có chung cảnh nghèo khó. Để có tiền chữa trị, nhiều người trong số họ phải bữa đói bữa no, dành dụm, chắt bóp từng đồng để có tiền chữa bệnh. Tranh thủ thời gian chăm con, chăm vợ, ông Bảy xin đi bốc vác thuê cho các tiểu thương ở chợ Vinh. Hễ có người gọi ông lại tất tả chạy đi. Mặc dù tiền công cho mỗi lần bốc vác ấy chỉ vài chục nghìn.“Hôm nào có việc cũng kiếm được 70 đến 80 nghìn đồng, có tiền mua cháo, mua sữa cho con. Nhưng từ khi có dịch bệnh, hàng quán đóng cửa, người ta không gọi nữa nên “miếng cơm” cũng mất”, ông Bảy nói trong lo lắng.
Năm 2019, bệnh viện Ung bướu Nghệ An có gần 100.000 lượt bệnh nhân tới khám, điều trị, tăng 16% so với năm 2018. Hiện, số giường thực kê tại bệnh viện là 1.000, song số bệnh nhân điều trị nội trú là 1.100 người và có hơn 9.000 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hơn 500 lượt bệnh nhân tới khám. Những “con số biết nói” này đã phác họa đậm nét bức tranh mang tên “UNG THƯ”, căn bệnh khiến nhiều người ám ảnh.