Mới đây, Đàm Vĩnh Hưng công khai dòng trạng thái dằn mặt những bạn trẻ chê anh ăn mặc dị hợm, xa rời công chúng trong MV mới ra lò: “Láo lếu và ngông cuồng! Con bé gái hình như không biết đọc chữ. Tên của chú mà con cũng không biết cách đọc! Giả vờ ngây ngây ngô ngô. Thằng bé áo đen ngồi kế bên thì tự cho mình cái quyền mất dạy… Chú là đẻ ra được con nhé”.
Rồi nữa: “Kiến thức thì kém mà cứ thích chứng minh! (…) Chú có tiền và chú mới mua được đồ hiệu con nhé!”; “Thích hay không thích điều đó rất bình thường các con ạ! Vì khán giả có trăm ngàn sở thích khác nhau. Điều chú muốn nói là cái thái độ xem thường người lớn của các con. Và ngôn từ mà các con đang chọn để nói là sai. Cảnh cáo các con một lần nhé! Thêm một lần nào nữa mà chú xem được 4 đứa mà nhắc đến tên chú thì lúc đó sẽ biết tại sao nước biển màu xanh”.
Tất nhiên với lực lượng fan hùng hậu, cơn mắng xối xả của Đàm Vĩnh Hưng nhận được nhiều sự ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người khách quan hơn đặt câu hỏi: “Anh là ai? Nếu tự tin là đẳng cấp, là bậc cha chú, là hiểu biết uyên thâm, thì anh thiệt hơn phân bua chửi rủa đám trẻ con làm gì??? Vô hình trung tự kéo mình với mấy đứa “trẻ con” đó thành một hệ”.
Chẳng phải lần đầu Đàm Vĩnh Hưng nổi cơn thịnh nộ với những dòng bình luận vô lối về anh. Năm 2014, anh chửi những kẻ “vô duyên, rảnh rỗi, đủ hơi xía vô chuyện cá nhân của mình”: “Xin thưa là tên của thằng này còn sáng hơn bộ lư trên bàn thờ của nhà các ngươi nữa đó! Lũ ch.!”. Thế mà dạo ấy cũng có vị đạo diễn nổi tiếng bênh Đàm Vĩnh Hưng khi cho rằng, chửi như vậy “không có gì sai cả, ca sĩ hay người của công chúng thì cũng là người”. Khoan nói đến phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng là sai hay đúng mà chỉ bàn cách sử dụng ngôn ngữ của một ngôi sao nổi tiếng như thế có xứng tầm hay không?