TPO - Trong khi các đại lý Honda đẩy giá bán của những chiếc xe máy lên "cao vút" thì cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vẫn "bó tay" trước sự việc này.
Cứ đến dịp cuối năm, các đại lý xe máy Honda (Head) lại đua nhau "làm giá" các sản phẩm chủ lực của mình. Trong đó, đặc biệt có thể kể đến những cái tên thường xuyên có mức tăng đột biến như: SH, SH Mode, Airblade, LEAD, Vision,...với khả năng bị "đội giá" từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Điển hình như mẫu SH đang có giá bán thực tế tại các đại lý cao hơn đề xuất trước đây từ 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, các bản 125i của SH thế hệ mới cũng tăng ở mức gần 20 triệu đồng so với giá đề xuất.
Việc "đội giá" như vậy vẫn diễn ra hàng năm và có ảnh hưởng lớn nhất đối với người tiêu dùng khi họ phải mua xe máy với giá rất cao so với đề xuất trên trang chủ Honda, rất nhiều trong số đó không khỏi bức xúc nhưng không biết phải trông chờ ai "cứu giúp".
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết mối quan hệ giữa Honda và các đại lý là "mua đứt bán đoạn", rất chặt chẽ, khiến cục khó lòng tìm cách giúp đỡ người tiêu dùng.
"Hiện tại, Honda Việt Nam (HVN) và các Head làm việc kiểu 'mua đứt bán đoạn' xe máy, nên chúng tôi cũng không còn cách nào. Chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng mua nơi khác hoặc các sản phẩm thay thế", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Cục bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết Cục cũng đã làm việc nhiều lần với nhà máy Honda và các đại lý: "Bên phía Honda Việt Nam có hợp đồng cụ thể với các đại lý về việc mua bán xe máy này. Giá trên trang chủ chỉ là giá tham khảo, trong hợp đồng có ghi rõ rằng họ không can thiệp vào giá bán của đại lý". Thậm chí, các đại lý còn "tranh nhau mua" và "phải trả tiền trước" cho HVN.
Mẫu xe máy bán chạy nhất Honda Vision cũng bị đội giá rất cao.
Ông cũng giải thích, hiện chưa có các công cụ pháp lý để giải quyết và việc xử lý hoàn toàn vấn đề "đội giá" xe máy vẫn phụ thuộc vào người tiêu dùng: "Hiện tại, chưa có quy định pháp luật cụ thể để giải quyết nên cũng đành 'bó tay', và vấn đề này còn liên quan đến quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn nằm trong tay người tiêu dùng".
Mặt khác, trước đây, đại diện HVN cũng từng trả lời Tiền Phong về vấn đề đại lý tăng giá bán xe máy. Theo đó, nhà sản xuất Nhật Bản không thể các Head bán đúng giá đề xuất: "Các đại lý là đơn vị kinh doanh độc lập, Honda Việt Nam cũng không thể yêu cầu đại lý làm chuẩn về vấn đề giá xe được".
Không những vậy, nhiều ý kiến cho rằng giá xe mà Head đưa ra không chỉ khác với giá niêm yết mà còn khác với giá ghi trên hóa đơn, và điều này còn liên quan đến việc đóng thuế theo từng sản phẩm bán được, vì đại diện này cho biết: "Honda Việt Nam không thể nắm rõ được vì Honda không kiểm soát vấn đề thuế xe máy".
Như vậy, vấn đề quản lý giá xe máy tại các đại lý Honda không thể được giải quyết từ cả phía cơ quan có thẩm quyền trong khi HVN gần như tự đưa mình ra khỏi "vòng luẩn quẩn" này. Do đó, công cuộc chống "đội giá" vẫn phải trông chờ sự chung tay, góp sức của chính những người tiêu dùng thông thái ở Việt Nam.