Cục An toàn thực phẩm đánh giá cao việc Abbott chủ động xin thu hồi sản phẩm Alimentum!

0:00 / 0:00
0:00
“Việc doanh nghiệp chủ động thông tin về sản phẩm thu hồi, tự nguyện thu hồi ngay khi chưa có yêu cầu gì từ phía cơ quan quản lý Nhà nước được đánh giá là một hành động kịp thời, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Qua đây cũng thể hiện được thái độ của doanh nghiệp trong việc kinh doanh”- Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong đánh giá.
Cục An toàn thực phẩm đánh giá cao việc Abbott chủ động xin thu hồi sản phẩm Alimentum! ảnh 1

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, đã nhận được báo cáo của Văn phòng đại diện Công ty Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội về việc xin thu hồi tự nguyện sản phẩm Alimentum (tên đăng ký ở Việt Nam là Similac Alimentum Eye-Q) được Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam) nhập khẩu, phân phối ngay khi có thông tin liên quan lô sữa sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, MI, Mỹ bị nghi nhiễm khuẩn.

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, ngày 20/2, Cục đã nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter sakazakii and Salmonella Newport liên quan đến sử dụng sản phẩm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, MI, Mỹ.

Cục cũng đã có khuyến cáo người tiêu dùng về việc không sử dụng dòng sữa bột Alimentum có cùng loạt sản phẩm được sản xuất có mã số với chữ số đầu tiên từ 22 đến 37; mã trên bao bì ký hiệu K8, SH hoặc Z2; hạn sử dụng ngày 4/1/2022 trở về sau. Đây cũng là lô sữa duy nhất có liên quan đến loạt sữa nghi ngờ nhiễm khuẩn tại Mỹ được Abbott nhập khẩu về Việt Nam. Cục cũng đề nghị người dân thông báo ngay với cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm được cảnh báo trên thị trường.

Về phía doanh nghiệp, theo lãnh đạo Cục ATTP, Abbott Việt Nam đã phản ứng nhanh, chủ động liên hệ với cơ quan chức năng thông báo về việc chủ động thu hồi sản phẩm nhiễm khuẩn, đồng thời mở các đường dây nóng tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Văn phòng đại diện Công ty Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội, tổng số sản phẩm đã nhập khẩu là 11.320 thùng (thùng 6 lon 400g), tổng số sản phẩm còn tồn kho đã được giữ lại là 4.270 thùng, tổng số sản phẩm đã bán là 7.050 thùng. Công ty đã có thông báo thu hồi 6 lô sản phẩm Similac Alimentum Eye-Q được sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, Michigan, Hoa Kỳ. Tính đến ngày 21/2/2022, VPĐD Công ty Abbott đã thống kê được số lượng hàng tồn và yêu cầu khách hàng giữ lại để thu hồi là 1.194 thùng…

“Hiện phía Abbott vẫn đang tiếp tục thu hồi sản phẩm và cập nhật, báo cáo hàng ngày về tiến độ đến Cục An toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật. Đây là hình thức thu hồi tự nguyện. Cục cũng đang tiếp tục theo dõi, chờ kết luận kiểm nghiệm các lô sản phẩm dinh dưỡng của Abbott từ công ty mẹ tại Mỹ để thông tin kịp thời tới người tiêu dùng trong nước”, Cục An toàn thực phẩm cho hay.

Thông tin cập nhật cũng cho biết, Công ty Abbott tại Việt Nam Abbott chỉ nhập khẩu duy nhất một dòng sữa bột Alimentum có liên quan đến lô hàng nghi nhiễm khuẩn được sản xuất từ nhà máy ở Sturgis. Các lô Similac và EleCare trong diện cảnh báo, Abbott Việt Nam không nhập khẩu. Các sản phẩm khác do Abbott nhập khẩu và phân phối chính thức tại Việt Nam không bị ảnh hưởng từ việc thu hồi này, và người tiêu dùng vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Abbott đã mở hai đường dây nóng 1800558891 và 19001519 để khách hàng liên hệ.

Ngoài ra, phía Abbott cũng đã chủ động kiểm tra chất lượng toàn diện đối với từng lô sữa bột trẻ em được sản xuất, bao gồm cả kiểm nghiệm vi sinh trước khi xuất xưởng. Tất cả sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em đều được kiểm nghiệm Cronobacter sakazakii, Salmonella newport và các vi khuẩn gây bệnh khác. Sản phẩm chỉ được phép xuất xưởng khi tất cả kiểm nghiệm cho kết quả âm tính.

Bên cạnh đó, ngoài việc chủ động tích cực thu hồi sản phẩm Abbott cũng rất tích cực và có trách nhiệm phối hợp với phía cơ quan chức năng của Việt Nam nhanh chóng đưa thông tin đến người tiêu dùng, tránh các sản phẩm khác trong diện thu hồi, theo các đường tiểu ngạch đến tay người dùng.

Về việc Abbott cũng như một số doanh nghiệp khác trước đó đã chủ động kiểm tra và thu hồi sản phẩm khi có cảnh báo về chất lượng, trao đổi với PV, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, bất cứ doanh nghiệp nào khi bán ra thị trường đương nhiên đều phải có trách nhiệm với các sản phẩm của mình. Khi các sản phẩm của các doanh nghiệp có sản phẩm bị cảnh báo hoặc thu hồi thì đương nhiên phải thực hiện yêu cầu của các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương (với hàng công nghiệp), Bộ NN&PTNT (với hàng nông thuỷ sản), Bộ Y tế (thuốc men, hoá mỹ phẩm, thực phẩm…).

“Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam hoan nghênh động thái của cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc đưa ra các cảnh báo và chủ động thu hồi các sản phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Việc chủ động thu hồi thể hiện doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp có giữ được uy tín mới tồn tại, phát triển được về sau”, ông Trung cho hay.

MỚI - NÓNG