Mùa hè năm 1974, một con tàu lớn bất thường ra khơi từ bờ biển Bãi Dài ở California để hướng đến trung tâm Thái Bình Dương. Chủ tàu tự hào tuyên bố sứ mệnh của con tàu là mở ra một ngành công nghiệp mới mang tính cách mạng bên dưới những con sóng biển.
Được trang bị một giàn khoan khổng lồ và hiện đại nhất vào thời điểm đó, con tàu được thiết kế để lặn sâu xuống những vùng nước sâu và tối nhằm khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ dưới đáy biển.
Đó được coi là bước đi mạnh bạo nhất cho đến thời điểm đó nhằm hiện thực hóa giấc mơ từ lâu về việc mở ra biên giới mới trong ngành khai khoáng, khi đáy biển được đánh giá là chứa nhiều kim lại quý.
Nhưng giữa những hào hứng của công chúng, toàn bộ chuyến thám hiểm này cuối cùng chỉ là một lời nói dối. Mục tiêu thực sự của thủy thủ đoàn trên con tàu khổng lồ đó là chiếc tàu ngầm mất tích của Liên xô.
6 năm trước đó, chiếc tàu ngầm K-129 bị đắm dưới độ sâu 1.500 dặm ở vùng biển tây bắc bang Hawaii (Mỹ) khi trên tàu đang có các tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Người Nga không tìm được con tàu này dù đã rất nỗ lực, nhưng mạng lưới thiết bị nghe dưới nước của Mỹ đã phát hiện âm thanh một vụ nổ nên sau đó dẫn đến chuyến đi của con tàu Mỹ nhằm trục vớt chiếc tàu đắm.
Với độ sâu như vậy, sứ mệnh trục vớt con tàu là điều chưa từng có tiền lệ. Những cuốn sách về vũ khí và mật mã tối mật cũng là thứ mà Mỹ muốn tìm được.
Với nỗ lực giành được lợi thế quân sự so với Liên Xô, chiếc tàu ngầm được Mỹ coi như viên ngọc trên vương miện. Việc tìm kiếm con tàu là cơ hội để Mỹ khám phá các tên lửa hạt nhân của Mátxcơva và thâm nhập hệ thống thông tin liên lạc hải quân.
Vì thế, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vạch ra một kế hoạch táo bạo, vạch ra Dự án Azorian để trục vớt chiếc tàu ngầm Nga. Riêng mục tiêu đó đã là quá khó. Nhưng bên cạnh đó còn một thách thức khác: làm sao để người Nga không phát hiện ra.
Các điệp viên Mỹ phải tạo ra một màn khói mù nên họ giả vờ là sẽ bắt đầu khai thác tài nguyên dưới đáy biển.
Chiến dịch PR rầm rộ được thực hiện để chuyển tải thông tin này. Họ cần một người đứng ra tuyến đầu, một người đủ giàu và kỳ dị để phù hợp với chiến dịch. Nhà tỷ phú sáng chế sống ẩn dật Howard Hughes hoàn hảo cho vai diễn này.
Ông Hughes đồng ý tham gia dưới danh nghĩa của mình. Con tàu độc đáo được thiết kế. Về mặt truyền thông, con tàu được trang bị mọi thứ để đào bới đáy biển.
Con tàu Hughes Glomar Explorer được chế tạo tinh vi giống như trong các phim James Bond. Thân tàu có những sàn rất rộng, có thể xoay để tạo nên một cái bể đủ chứa và che giấu chiếc tàu ngầm Nga.
Lắm trục trặc
Mãi đến năm 1974, tức 6 năm sau vụ chìm tàu ngầm Liên Xô, CIA mới sẵn sàng cho nhiệm vụ bí mật. Chi phí cho kế hoạch là 500 triệu USD, tương đương chi phí chế tạo một cặp tàu sân bay hoặc chi phí phóng tàu vũ trụ Apollo lên Mặt trăng.
Chưa có ai từng thử làm điều gì quy mô lớn như vậy dưới đáy đại dương. Bản thân chiếc tàu ngầm có trọng lượng gần 2.000 tấn, nhưng những ống thép dài dài 3 dặm cần để lôi chiếc tàu lên còn nặng hơn như vậy nhiều. Cần có những hệ thống mới để giữ con tàu Glomar Explorer ở đúng vị trí cũng như xử lý một vật thể trọng lượng lớn, vì thế tất cả mọi người trên tàu đều lo lắng.

