Cư dân sẽ khởi kiện nếu Keangnam không có động thái gì

Cư dân sẽ khởi kiện nếu Keangnam không có động thái gì
TPO –Do bất đồng trong việc thu và nộp phí quản lý chung cư, cắt thang máy gần một ngày, hôm qua (5-12) cư dân đã chính thức gửi đơn tố cáo công ty TNHH MTV Keangnam Vina lên UBND TP Hà Nội.

> Khổ sở mới ở được chung cư cao cấp

> Hàng trăm hộ dân Keangnam không thể về nhà

Đơn tố cáo của các cư dân Keangnam gửi UBNDTP Hà Nội
Đơn tố cáo của các cư dân Keangnam gửi UBNDTP Hà Nội.

Theo đó, các cư dân mua nhà tại chung cư Keangnam Hà Nội Landmark Towers (lô E6), đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, Hà Nội) tố cáo công Công ty TNHH Một thành viên Keangnam Vina (Công ty Keangnam) có hành vi ép người dân tại chung cư phải trả phí quản lý cao hơn mức quy định của Quyết định số 4520/QĐ-UBND ngày 29-9-2011. Cụ thể, Công ty Keangnam đang buộc người dân tại chung cư phải nộp phí quản lý là 18.700 đồng (18.843đ/m2/tháng bao gồm 10% VAT), cao hơn mức trần (4.000 đồng) phí quản lý nhà chung cư được quy định tại Quyết định số 4520.

Không chỉ vậy, Keangnam còn liên tiếp dọa người dân sẽ cắt giảm các dịch vụ tiện ích vốn đã bị cư dân ở đây cho là nghèo nàn và kém chất lượng. Ngày 26-11, Keangnam cho tháo gỡ rất nhiều bóng đèn to nhỏ của tòa nhà tại các sảnh, hành lang lối ra hầm đỗ xe, bên trong hầm đỗ xe, các khu vui chơi sinh hoạt công cộng, đèn chiếu sáng sân vườn…

Mặt khác, ngày 3-12 vừa qua, Công ty Keang Nam đã cắt điện và thang máy, ngăn chặn người dân ở chung cư có thể tiếp cận căn hộ thuộc quyền sở hữu của mình tại khu chung cư được thiết kế trên 48 tầng. Hàng động này đã gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại chung cư. Các cư dân sống tại các tầng cao của chung cư không thể về căn hộ của mình. Trong đó, có nhiều trẻ nhỏ, người già và gần chục phụ nữ mang thai đến tháng đẻ đã phải vật vã chờ đợi ở hai sảnh A, B của tòa nhà.

Bức xúc, người dân đã đến văn phòng của công ty Chestnut “ở trọ” ở đó đòi Keangnam mở lại thang máy. Người dân thậm chí đã căng lều bạt để tính đến giải pháp tránh màn trời chiếu đất.

Cuối cùng, với sức ép của cư dân và yêu cầu kiên quyết từ phía chính quyền với hai đại diện cấp cao là ông phó công an huyện Từ Liêm và ông phó chủ tịch xã Mễ Trì, ông Ha Jong Suk - Chủ tịch tập đoàn Keangnam Vina đã phải xuất hiện để đàm phán.

Cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài, khi ông Ha Jong Suk vẫn kiên quyết ko chấp nhận đề nghị của chính quyền là mở thang máy cho dân. Phải đến 21h30, ông Ha Jong Suk mới chịu nhượng bộ và ký vào văn bản cam kết với chính quyền và với ban đại diện cư dân mở toàn bộ thang máy cho cư dân đi lại; Cam kết không được cắt bất cứ loại hình dịch vụ nào của dân; Định ngày đàm phán với ban đại diện cư dân, dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương vào tuần sau.

Các hộ dân bao vây văn phòng làm việc của ông Ha Jong Suk - Chủ tịch tập đoàn Keangnam Vina đòi mở thang máy ngày 3-12
Các hộ dân bao vây văn phòng làm việc của ông Ha Jong Suk - Chủ tịch tập đoàn Keangnam Vina đòi mở thang máy ngày 3-12.
 

Cùng với việc tố cáo các sai phạm, cư dân Keangnam cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội có biện pháp buộc Công ty Keang Nam phải cung cấp các dịch vụ thiết yếu của nhà chung cư và thu phí quản lý phù hợp với Quyết định số 4520/QĐ-UBND là 4.000 đồng/m2/tháng  đối với các dịch vụ cơ bản.

Trường hợp Công ty Keangnam muốn cung cấp các dịch vụ gia tăng ngoài phạm vi dịch vụ nói trên, Công ty Keangnam có trách nhiệm phải thỏa thuận với từng hộ dân.

Cư dân Keangnam cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội có các biện pháp cần thiết cấm không cho Công ty Keangnam tiếp tục có hành vi chặn thang máy hoặc không cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống tại chung cư này. Đồng thời hướng dẫn đăng ký thành lập Ban quản trị của chung cư nhằm chấm dứt một cách triệt để hành vi lạm dụng quyền hạn của chủ đầu tư là Công ty Keangnam.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng – đại diện quyền lợi cho các hộ dân tại đây, việc Keangnam đơn phương “cấm cửa” cầu thang máy, cắt điện của hàng trăm hộ dân tại chung cư là vi phạm pháp luật Việt Nam, ngoài ra hành xử như vậy là thiếu tôn trọng, thiếu hợp tác với dân.

Cũng theo ông Hưng, giữa cư dân và chủ đầu tư cần phải có một cuộc đàm phán và chính quyền là “trọng tài” để giải quyết những mâu thuẫn giữa Keangnam và cư dân tại đây. Mục đích cuối cùng là tìm được tiếng nói chung cho cả hai.

Dự kiến, ngày 7-12, huyện Từ Liêm thay mặt chính quyền là người làm trung gian, đứng giữa cho hai bên để đàm phán nhằm thỏa thuận việc phí dịch vụ của khu chung cư cao cấp Keangnam.

Theo Viết
MỚI - NÓNG