COVID, cô đơn - 'cô' nào sợ hơn?

Bức ảnh nổi tiếng của Go Nakamura ghi lại cái ôm của bác sĩ Joseph Varon (Texas, Mỹ) dành cho một bệnh nhân COVID đòi về nhà với vợ trong lễ Tạ ơn
Bức ảnh nổi tiếng của Go Nakamura ghi lại cái ôm của bác sĩ Joseph Varon (Texas, Mỹ) dành cho một bệnh nhân COVID đòi về nhà với vợ trong lễ Tạ ơn
TP - Nhà dưỡng lão và nhà mình - chỗ nào vui hơn còn tùy, nhưng cứ bị COVID là mệt rồi. Báo mới đưa ít nhất 75, tức một nửa số người ở một nhà dưỡng lão tại Antwerp, Bỉ mắc COVID-19 sau buổi tiệc Giáng sinh với ông già Noel té ra đã mang bệnh mà không biết. Trong tối vui hôm đó, nhiều cụ không đeo khẩu trang và tất nhiên không thể giữ đúng khoảng cách an toàn 2m với Santa Claus, năm mới đến chơi một lần.

Nhà dưỡng lão bị lên án thiếu trách nhiệm trong khâu tổ chức sự kiện cùng với hệ thống thông gió kém khiến số lượng người bị lây bệnh từ một nguồn ở mức hơn cả “siêu lây nhiễm”, theo nhận định của chuyên gia. Tôi còn e là ông Noel đến ôm hôn từng cụ cũng nên! Tất nhiên ý tưởng bị coi là ngu ngốc của nhà dưỡng lão vẫn có thể lý giải được. Vì có một “cô” đáng sợ không kém COVID. Là cô đơn.

 Bạn tôi, cây bút chuyên về du lịch sống ở Hà Lan - Huỳnh Thu Dung, kể một câu chuyện lạ lùng về cô giáo dạy tiếng. Vài năm trước, Dung tham gia lớp học tiếng Hà Lan miễn phí. Giáo viên là những người về hưu. Do bạn chuyên cần nên một bà giáo 68 tuổi, sống một mình, đề nghị kèm riêng Dung tuần một buổi tại thư viện. Dung ngỏ ý trả phí, bà cương quyết không nhận. Nhưng nếu bạn tôi mời bà đến nhà hoặc ra quán ăn uống, tặng quà dịp lễ... thì bà đều vui vẻ đồng ý. Hai bên tâm đầu ý hợp cho đến khi dịch bùng phát, lớp học chung đóng cửa, thư viện cũng đóng nốt. Bà đề nghị đến nhà Dung để dạy. Dù ngại nhưng Dung cũng đồng ý. Trước đó, bà thường tỏ ra nhiệt tình đến mức mặc cho Dung bận cỡ nào, vẫn nài nỉ cô thu xếp để đảm bảo gặp nhau đúng lịch tuần 2 tiếng. Tuần nào Dung nhắn không thể học được, bà buồn ra mặt.

 Rồi COVID cũng không tha bà giáo. Bà cam đoan với Dung ra ngoài luôn giữ khoảng cách với người khác, thế mà không hiểu sao vẫn bị lây. Nhưng thể trạng bà vốn khỏe nên chỉ hơi mệt, mất vị giác và… vẫn muốn đến nhà Dung để dạy. Bà một mực nói không sao đâu, sẽ giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… Dung cảm thấy cực kỳ khó xử. Như bà nói giữ khoảng cách mà vẫn bị lây cơ mà… “Theo lẽ thường, đã xét nghiệm kết quả dương tính, thì người bị nhiễm nên chủ động cách ly người khác, còn nài nỉ đến gặp người khác làm chi? Có lẽ cô quá cô đơn. Nếu nói cô bị dương tính, sẽ không người Hà Lan nào chịu tiếp xúc. Cô cảm thấy buồn nên tìm mọi cách để gặp ai đó và trò chuyện”, Dung phân tích.

 Sợ bà giáo buồn, Dung đành phải nói dối là mình cũng mệt, có vẻ bị cảm để từ chối. Nhưng bà chỉ cho Dung nghỉ một tuần rồi lại gọi điện để “xin” dạy. Dung rất lo lắng nhưng không biết từ chối cách nào. “May” quá, đúng lúc chính phủ ban bố lệnh phong tỏa toàn phần khẩn cấp. Từ tối 14/12, chỉ còn một vài nơi bán thực phẩm được mở cửa, hạn chế số lượng người vào mỗi lần. Nhưng bà giáo vẫn chưa đầu hàng, nói là muốn mang quà đến cho Dung, đứng xa xa nhìn nhau thôi cũng được…

 Tôi phục Dung thật kiên nhẫn và bao dung. Bạn viết: “Người già ở châu Âu thật sự rất cô đơn. Ngay cả có con cháu đầy đàn cũng là đèn nhà ai nấy sáng, đừng nói chi sống một mình như cô. Mình hiểu vô cùng, nhưng thực sự cũng không biết làm sao trước tình cảnh này. Thật là buồn! Chỉ mong những ngày khốn đốn này sớm qua đi và mọi việc trở lại bình an. Mùa đông lạnh lẽo đang bủa vây rồi...”.

 Mùa đông lạnh đến mấy cũng phải qua, chỉ có mùa COVID chưa biết đến bao giờ. Lại nhớ bức ảnh gây sốc cho cả loài người chụp một rừng IPad tại khu chăm sóc tích cực trong một bệnh viện ở Mỹ, để người bệnh COVID có thể chào từ biệt người nhà trước khi ra đi. Thực ra bức ảnh thể hiện mặt tích cực của công nghệ. Những chiếc IPad hẳn sẽ khiến nhiều người buộc phải lìa nhau do COVID bớt day dứt đi nhiều. Hay như trong câu chuyện của Dung, chiếc điện thoại đã thể hiện vai trò quan trọng làm cầu nối giúp hai bên chia sẻ và tiến tới đồng cảm. Rất tiếc bà giáo không quen dạy qua mạng.

 Thỉnh thoảng gặp trường hợp người già nhằm lúc vắng người thân mà trút hơi thở cuối cùng, mọi người lại bảo có khi cụ “trốn” con cháu, không muốn làm người ở lại phải đau lòng. Nhưng chắc hẳn đa phần trong chúng ta không  mong một kết cục như vậy. Nhất là những ai vẫn cảm thấy chưa sạch nợ trần gian… Sống là học cách để đối mặt với cô đơn. Mà độ khó của “bài học” có vẻ càng tăng khi tuổi “học viên” càng lớn. COVID xem ra chỉ là người “trợ giảng” nhiệt tình một cách quá đáng mà thôi.

MỚI - NÓNG