Cột trụ kim loại hình tam giác, sáng bóng, được tìm thấy cách Pháo đài Petrodava Dacian, một địa danh cổ đại ở thành phố Piatra Neamt, Romania, hôm 26/11.
Chiếc cột cao gần 4 mét và có một mặt quay về núi Ceahlau, một trong 7 kỳ quan tự nhiên của Romania, được người dân địa phương gọi là Núi Thiêng. Giới chức Romania chưa xác định được nguồn gốc của cấu trúc này.
"Chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu sự xuất hiện kỳ lạ của khối kim loại", Rocsana Josanu, quan chức thuộc Sở Văn hóa và Di sản Neamt, nói. "Nó thuộc sở hữu tư nhân, nhưng chúng tôi vẫn không biết chủ của nó là ai. Nó nằm ở khu vực được bảo vệ trên một địa điểm khảo cổ. Trước khi lắp đặt thứ gì ở đó, họ cần được tổ chức của chúng tôi cho phép, sau đó phải được Bộ Văn hóa phê duyệt".
Chiếc cột ở Romania được phát hiện khi những câu hỏi về nguồn gốc và sự biến mất của vật thể kim loại tương tại sa mạc bang Utah, Mỹ, vẫn chưa được giải đáp.
Cột kim loại hình tam giác này cao khoảng 3,6 m, được các quan chức Utah phát hiện hôm 18/11 khi đang bay trên trực thăng để đếm cừu sừng lớn trong khu vực.
Dù địa điểm chính xác của nó không được tiết lộ, các "thám tử mạng" đã nhanh chóng lần ra vị trí dựa trên bản đồ vệ tinh Google Earth, khiến hàng trăm người lũ lượt kéo tới để khám phá.
Ngày 27/11, cấu trúc này đột nhiên biến mất, nghi do người nào đó di dời vào ban đêm. Cục Quản lý Đất đai Utah khẳng định các nhân viên của họ không loại bỏ "cấu trúc được coi là tài sản tư nhân" trên.
Cho đến nay chưa ai đứng ra nhận quyền sở hữu vật thể được coi là tác phẩm nghệ thuật này. Một số người nhận xét cột kim loại ở bang Utah giống với tác phẩm theo chủ nghĩa tiên phong (avant-garde) của John McCracken, nghệ sĩ Mỹ sống tại bang New Mexico gần đó và qua đời năm 2011.