Tới lúc này có thể khẳng định, Công Vinh là số ít những cầu thủ thuộc độ tuổi của anh (1985) từng thi đấu ở SEA Games 22 (Philippines) thành công với sự nghiệp bóng đá. Từ chỗ chỉ là dự bị cho Văn Quyến trên tuyển, khi “thằng béo” sa ngã, Công Vinh đã bứt lên để dần trở thành một ngôi sao thực thụ của bóng đá Việt Nam.
Trong gần 10 năm kể từ AFF Cup 2008, Công Vinh luôn là lựa chọn hàng đầu ở tuyển quốc gia. Cho đến khi nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu bóng đá sau AFF Cup 2016, tiền đạo gốc Nghệ đã nắm giữ kỷ lục người có số trận thi đấu nhiều nhất cho đội tuyển Việt Nam (83 trận) cùng kỷ lục 51 bàn thắng. Làng bóng thường nói Lê Công Vinh vì quá “khéo léo” nên ít bạn bè, đặc biệt sau vụ anh “lật kèo” ông bầu Đỗ Quang Hiển để đầu quân cho đội bóng của bầu Kiên. Tuy nhiên, ít người có thể phủ nhận ở góc độ chuyên môn đơn thuần, Công Vinh là một tiền đạo giỏi, ý thức chuyên nghiệp bậc nhất của Việt Nam.
Vụ chia tay đình đám với Hà Nội T&T (tiền thân CLB Hà Nội hiện nay) cũng có thể xem là “mối tình” dở dang đầu tiên của Công Vinh trong sự nghiệp thi đấu. Nói dở dang bởi chỉ 1 ngày trước khi thông báo về với bầu Kiên, chính Công Vinh đã xác nhận gia hạn hợp đồng với Hà Nội T&T. Đấy là mùa giải 2012, khi bầu Kiên vừa nổi đình đám với cuộc “tấn công” vào VFF để sau đó cho ra đời Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Cựu tiền đạo SLNA cho biết anh đầu quân cho bầu Kiên “vì tình yêu”, nhưng về sau giới bóng đá nói số tiền “lót tay” anh được nhận trong thương vụ này lên tới khoảng 14 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm. Tuy nhiên, cũng chỉ sau 1 mùa giải, Công Vinh rơi vào cảnh bơ vơ khi CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên giải thể. Trong cảnh khó, Công Vinh được đội bóng quê hương SLNA dang tay đón nhận để duy trì sự nghiệp.
Trở lại đội bóng quê hương, Công Vinh trở thành đầu tàu, giúp SLNA chơi cực tốt trong giai đoạn trên nhưng chỉ sau hơn một mùa giải, anh chuyển tới Bình Dương theo một bản hợp đồng tiền tỷ khác. SLNA đã không đủ tiền trả cho Công Vinh.
Nấc thang mới trong sự nghiệp
Về CLB Tp Hồ Chí Minh và sau đó được trao quyền Chủ tịch đội bóng là một bước ngoặt mới trong sự nghiệp bóng đá của Công Vinh, khi anh chuyển từ công việc chuyên môn thuần tuý sang quản lý.
Trong khoảng 16 tháng nắm quyền, không thể phủ nhận Công Vinh đã có nhiều nỗ lực để Tp Hồ Chí Minh đeo đuổi tham vọng tại V-League, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính của các ông chủ. Tuy nhiên, những gì CLB Tp Hồ Chí Minh đạt được có lẽ là quá nhỏ bé so với mục tiêu đặt ra. Tốn rất nhiều tiền mua sắm cầu thủ, thuê HLV ngoại, nhưng CLB Tp Hồ Chí Minh chưa cho thấy khả năng cạnh tranh ở V-League.
Thất bại lớn nhất của Công Vinh có lẽ là việc không giành được tình yêu của người hâm mộ Tp Hồ Chí Minh cho dù anh không nề hà cả việc tự thân đi bán vé, hay xin lỗi CĐV mỗi lúc đội nhà thất bại. Việc Công Vinh đưa về sân Thống Nhất nhiều cầu thủ đồng hương như Âu Văn Hoàn, Đình Luật, Sầm Ngọc Đức hay mới đây là Phi Sơn (Hà Tĩnh) khiến cho Tp Hồ Chí Minh chơi quyết liệt nhưng lại thiếu đi nét đẹp hào hoa, giàu tính địa phương như Cảng Sài Gòn trước đây.
Dẫu sao, với 16 tháng nắm quyền ở một đội bóng giàu tiền của, hành trang của Công Vinh lại dày thêm những trải nghiệm mới. Đó là cơ sở để tin rằng, trong tương lai anh sẽ có thể đạt được nhiều thành công mới. Với CLB Tp Hồ Chí Minh, chặng đường còn lại ắt sẽ thật nhiều ngổn ngang.