Công Vinh nên học cách chấp nhận

Công Vinh trong trận đấu với Iraq. Ảnh: Dân Trí
Công Vinh trong trận đấu với Iraq. Ảnh: Dân Trí
TP - Rất nhiều người đã ngạc nhiên, thậm chí là sốc khi tiền đạo Công Vinh tuyên bố: “Việt Nam có nhiều anh hùng bàn phím” như là cách để “đá xoáy” những CĐV không hài lòng về những gì mà ĐT Việt Nam dưới quyền HLV Toshiya Miura đã thể hiện trong thời gian vừa qua.

Chuyện cầu thủ phản ứng lại dư luận hoặc người hâm mộ là điều bình thường, nhưng điều không bình thường ở đây là Công Vinh đang đeo băng đội trưởng ĐT Việt Nam, và bản thân Vinh thường được biết đến như là một cầu thủ có cách ứng xử khéo léo và thông minh bậc nhất của bóng đá Việt Nam.

Đúng là ĐT Việt Nam đã chơi một trận rất hay với ĐT Iraq, và cá nhân Công Vinh cũng đã thể hiện không tồi với bàn thắng mở tỷ số rất đẳng cấp, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Công Vinh được phép phản ứng người hâm mộ theo kiểu quy chụp như thế này: “Tôi rất tâm đắc với một bình luận rằng mỗi khi đội tuyển thi đấu, ở Việt Nam có tới 80 triệu HLV, bình luận viên, chuyên gia bóng đá múa bàn phím”.

Bóng đá là một môn thể thao nhận được sự chú ý của đông đảo người hâm mộ, và cầu thủ ngôi sao, như Công Vinh, được xem là người của công chúng. Và so với những người cùng tuổi, Công Vinh đang có một cuộc sống phải nói là trong mơ, mà tất nhiên không ai phủ nhận được rằng nếu không có bóng đá thì chắc chắn Công Vinh sẽ không thể có cuộc sống như vậy.

Một khi đã được tận hưởng cuộc sống trong mơ so với những người lao động bình thường nhờ tài năng bóng đá, thì Công Vinh cũng nên học cách chấp nhận những áp lực và thị phi mà bóng đá đem lại, bởi như người ta vẫn nói, ở đời chẳng ai cho không nhau cái gì, hoặc đơn giản hơn, cái gì cũng có 2 mặt.

MỚI - NÓNG