Ngày 3/10, đoàn doanh nhân trong nước và quốc tế đến từ tổ chức hợp tác Đức, Trung Quốc, Việt Nam đã có chuyến tham quan, tìm hiểu mô hình tiên tiến về xử lý, tái chế rác tại Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS (huyện Bình Chánh, TPHCM).
Bày tỏ vinh dự khi được đón tiếp đoàn, ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS đã giới thiệu về quá trình thành lập và quy trình xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước như: nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế…
Bên cạnh đó, Công ty VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, hiện đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quy trình xử lý, tái chế rác tại Công ty VWS, đặc biệt là quy trình xử lý nước thải, đặc biệt liên quan đến dự án tái chế rác phát điện… và đều được ông Kevin Moore trả lời thấu đáo.
Trên thực tế, thị trường biến chất thải thành năng lượng ở Việt Nam tương đối nhỏ nhưng có tiềm năng tăng trưởng đáng kể. Tiềm năng thu hồi năng lượng từ chất thải rắn ở Việt Nam là khoảng 1.400 MW mỗi năm, có thể đóng góp vào các mục tiêu năng lượng tái tạo của đất nước và an ninh năng lượng. Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp công nghệ biến rác thải thành năng lượng còn khiêm tốn.
Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới công nghệ xử lý rác tại TPHCM để giảm tỷ lệ chôn lấp, Công ty VWS phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước với dự định xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Công suất của nhà máy đốt rác phát điện dự kiến xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày, đây là số lượng rác còn lại sau khi đã phân loại để tái chế, làm phân hữu cơ. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 420 – 750 triệu USD. Bên cạnh đó, Công ty VWS cũng đang triển khai dự án ủ rác, thu khí gas phát điện tại khu chôn lấp đã bắt đầu vận hành và đang được bộ phận kỹ thuật theo dõi.
Sau đó, đoàn doanh nhân đi tham quan, tìm hiểu thực tế về các quy trình xử lý chất thải, nước rỉ rác, công nghệ biến rác thành điện tại đây.
Là một trong những chủ doanh nghiệp đến tham quan Công ty VWS, anh Trần Hữu Tín - Công ty thuần nông Cà Mau chia sẻ, do làm nông nghiệp tuần hoàn nên muốn được tiếp thu về công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường cũng như tiếp cận thông tin, quy trình xử lý rác thải và tuần hoàn về chất thải.
“Lần đầu tiên có cơ hội được tham quan Công VWS, tôi có thêm nhiều kiến thức hơn vì đây là mô hình tiêu biểu về công nghệ tổng hợp áp dụng vào xử lý môi trường và chất thải. Có thể nói, quy mô của Công ty VWS rất hoành tráng, có sức ảnh hưởng lớn và có thể nhân rộng cho nhiều địa phương khác trong điều kiện phù hợp” – anh Tín bộc bạch.
Cũng theo anh Tín, không phải địa phương nào cũng có điều kiện để đầu tư một quy trình công nghệ như Công ty VWS. Vì vậy, tuỳ mức độ áp dụng công nghệ phù hợp, các quy mô về mô hình như công nghệ vi sinh, tuần hoàn hữu cơ, quản lý chất thải hợp lý để giảm thiểu ô nhiễm, kiểm soát tốt môi trường ngay từ đầu là điều quan trọng, cơ bản và lâu dài.
Ông Trần Quốc Phong, trưởng bộ phận kết nối doanh nghiệp liên quan đến phân loại rác thải, tái chế và nguồn năng lượng xanh – đơn vị đưa đoàn doanh nghiệp quốc tế đến tham quan Công ty VWS cho biết, đây là đoàn doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trong và ngoài nước như Việt Nam, Trung Quốc… liên quan đến lĩnh vực máy móc, công nghệ, môi trường. Đặc biệt, nhiều thành viên trong đoàn đến từ tổ chức hợp tác Đức, họ sẽ hỗ trợ cho nền công nghiệp mà Đức sẽ đầu tư tại Việt Nam liên quan đến môi trường.
Các doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam tham dự triển lãm liên quan đến môi trường và rất mong muốn tham quan một doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam để trao đổi, học hỏi các xử lý vấn đề môi trường ra sao, những công nghệ đang sử dụng…
“May mắn, chúng tôi biết được Công ty VWS là nhà máy tái chế, xử lý rác lớn nhất của TPHCM. Vì vậy đoàn doanh nhân rất quan tâm và mong muốn được đến học hỏi. Đoàn rất bất ngờ vì được đón tiếp nồng hậu, ban giám đốc của Công ty VWS đã giải đáp hầu hết các câu hỏi của đoàn. Sau chuyến tham quan, đoàn doanh nghiệp rất ấn tượng với quy mô của nhà máy, những công nghệ đang được sử dụng. Chúng tôi rất vui vì đã kết nối đoàn đúng mục đích” – ông Phong cho biết.
Hiện mỗi ngày, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý mỗi ngày chiếm khoảng 70% tổng lượng rác thải mỗi ngày của TP.HCM. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…