Công trình thủy lợi vi phạm: Lại ẩn họa bom nước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dự báo, từ nay đến cuối năm, thiên tai sẽ diễn ra khốc liệt hơn, nguy cơ xảy ra mưa lũ dồn dập tại một số khu vực. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi đang trong tình trạng bị đe dọa an toàn.

Tràn lan vi phạm

Hồ Đầm Bài (xã Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là hồ thủy lợi với diện tích nước mặt khoảng 69ha, có công năng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều xã ở huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình. Tuy nhiên, từ đầu năm, khi tình trạng sốt đất xuất hiện, không ít hộ dân sống cạnh hồ đã ngang nhiên thuê người xây tường rào, đổ đất san lấp lấn lòng hồ với diện tích hàng trăm mét vuông. Đặc biệt, có hộ còn di dời cả cột mốc bảo vệ hồ đã được đơn vị chức năng xác định cắm mốc tọa độ để xây móng tường bao để lấn chiếm đất.

Công trình thủy lợi vi phạm: Lại ẩn họa bom nước ảnh 1

Hồ Đầm Bài bị lấn đất khiến dòng chảy tiêu thoát nước trở nên hẹp hơn, khiến người dân thấp thỏm

“Việc lấn đất không chỉ làm thu hẹp dung tích cắt lũ, cản trở dòng chảy tiêu thoát nước mà còn đe dọa an toàn công trình. Đợt đầu năm, khi xảy ra mưa lớn, nước ngập cả khu vực xung quanh. Nay mùa mưa bão sắp đến, người dân trong vùng đều nơm nớp”, ông Nguyễn Đình H., hộ dân xã Thịnh Minh, nói.

Phát hiện vụ việc, Cty TNHH MTV Thủy lợi Hòa Bình đề nghị UBND xã Thịnh Minh xử phạt theo quy định, yêu cầu hộ vi phạm dừng ngay hoạt động xây dựng, trả lại hiện trạng ban đầu của hồ, khôi phục các mốc giới hành lang đã cắm theo đúng tọa độ. Tuy nhiên, tình trạng lấn đất vẫn tái diễn.

Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình, cho biết, tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi gồm 49 hồ lớn, 151 hồ đập vừa, 274 hồ, đập nhỏ. Thời gian qua, việc các hồ bị xâm phạm hành lang an toàn, lấn chiếm đất… diễn ra nhức nhối. Sở chỉ đạo các đơn vị giám sát, xử lý nghiêm nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo xử dứt điểm vi phạm đổ đất vào công trình hồ Bi (xã Cư Yên, huyện Lương Sơn) nhưng do các hộ dân đã được cấp đất, có sổ đỏ nằm trong phạm vi công trình nên đến nay vẫn chưa thể di dời.

Tại Hà Nội, tình hình vi phạm an toàn công trình hồ thủy lợi, tiêu úng cũng diễn ra phức tạp. Nhiều vụ việc vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình thủy lợi, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt cho khu vực ngoại thành khi xảy ra mưa lớn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố phát sinh 141 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi. Các địa phương mới giải tỏa được 19 vụ phát sinh trong năm và 55 vụ xảy ra từ những năm trước, nâng tổng số vi phạm tồn đọng từ những năm trước đến nay lên 13.099 vụ. Tình trạng vi phạm tại các hồ chứa thủy lợi có xu hướng diễn biến phức tạp hơn với diện tích và quy mô lớn. Huyện Sóc Sơn còn tồn tại 35 vụ chưa được xử lý (hồ Đồng Đò 30 vụ; hồ Ban Tiện 4 vụ; hồ Đồng Quan 1 vụ...).

Xử lý nhỏ giọt, dân thấp thỏm lo

Ông Lương Tự Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết, nguyên nhân để xảy ra tràn lan các vi phạm về công trình thuỷ lợi là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ công trình thủy lợi, chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, xem đó là trách nhiệm của ngành thủy lợi. Bên cạnh đó, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý chuyên ngành còn hạn chế, chưa kịp thời. Đặc biệt, một số trường hợp vi phạm còn cố tình chây ì, chỉ lấy lợi ích kinh tế cá nhân trước mắt mà chưa nghĩ đến lợi ích của cả cộng đồng, gây mất an toàn cho công trình.

Theo ông Tự Anh, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý đối với hoạt động xây dựng nhà máy điện mặt trời Tân Châu do vi phạm an toàn công trình hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh); phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an lập 3 đoàn kiểm tra đột xuất về xả nước thải vào các công trình thủy lợi tại tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Đơn vị cử cán bộ tham gia 4 đoàn kiểm tra của các bộ, ngành liên quan về việc chấp hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đồng bằng Bắc bộ), và các vi phạm tại Hà Nội, Thái Nguyên…

“Đến nay, mức độ xử lý các vi phạm liên quan đến công trình thủy lợi còn khá thấp. Các vụ vi phạm được xử lý chỉ được 34.395 vụ (chiếm 66%), còn tồn đọng 17.432 vụ. Một số địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhưng không xử phạt hành chính, gồm Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên…, gây nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão”, ông Tự Anh cho hay.

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cho biết, để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão sắp tới, đơn vị đang đề nghị Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, Bộ TN&MT tăng cường thanh tra, xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc lợi các Cty do bộ quản lý. Đặc biệt, bộ đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện bảo vệ công tác, xử lý vi phạm công trình thủy lợi.

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 5, cả nước có khoảng 52.000 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 26.119 vụ (chiếm 50,5%), Đồng bằng sông Hồng 10.084 vụ (19,5%), và Bắc Trung bộ 9.525 vụ (18%)… Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc gây mất an toàn công trình thuỷ lợi và vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình như xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán... Ngoài ra, từ 1/2021 - 4/2022 xảy ra 11.256 vụ vi phạm về đê điều và hành lang thoát lũ. Đến nay mới xử lý được 3.570 vụ, đạt 32%; còn tồn đọng 7.686 vụ chưa được xử lý, chiếm tới 68% tổng số vụ vi phạm.

MỚI - NÓNG