Kênh dẫn nước âm tới 10m
Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Tráng Văn Tẩu (thôn 9, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) hì hục vét từng giọt nước dưới mương sâu để bơm lên cứu ruộng lúa đang héo khô.
Mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt đen sẫm, ông Tẩu than phiền, khi giải phóng mặt bằng, cán bộ lẫn chủ đầu tư nhiệt tình vận động người dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Ông sẵn sàng nhường một phần đất dọc bờ kênh để dự án được làm nhanh, sớm đưa vào sử dụng. Thế nhưng từ khi triển khai (năm 2017) đến nay, dự án vẫn ngổn ngang, nhiều đoạn kênh bị đào xới nham nhở.
“Mới đầu, họ nói tháng 12/2019, dự án sẽ xong, tôi tin thật, mạnh dạn xuống giống 2 sào lúa vụ Đông Xuân với mong muốn thêm chút gạo ăn. Ai dè họ trễ hẹn, lúa nhà tôi đến đoạn trổ bông thì bị cháy khô vì hạn. Chủ đầu tư hứa tiếp sẽ hoàn thành dự án trong 6 tháng tới nhưng đến bây giờ đã hơn 2 năm vẫn chưa làm xong”, ông Tẩu nói.
Không chỉ thất vọng khi công trình “chậm như rùa”, chị Vàng Thị Séng (thôn 9, xã Quảng Hòa) còn bất bình khi kênh dẫn nước bị khoét sâu xuống lòng đất, có đoạn âm tới 10m.
“Trước đây, chưa thi công dự án, chúng tôi vẫn gieo được lúa, nước dẫn tận ruộng nhờ kênh dẫn cũ. Còn bây giờ, kênh bị khoét sâu xuống lòng đất, tôi phải dùng máy bơm hút nước. Nhà có 2 sào lúa nhưng ngày nào tôi cũng túc trực ở mương, vét từng giọt tưới lúa, rất tốn công sức, tiền bạc”, chị Séng phản ánh.
Không chỉ ruộng lúa héo khô, hàng trăm héc-ta cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu…) cũng héo mòn vì thiếu nước. Đặc biệt, mục tiêu tạo nguồn nước cho hơn 1.700 hộ dân xã Quảng Hòa cũng bị bỏ lửng.
Ông Nguyễn Bá Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa cho biết, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 55%, khiến địa phương trở thành xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông.
Hàng loạt bất cập
Ngày 29/3, đoàn công tác của HĐND tỉnh do ông Y Quang B’Krông, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát rất kỹ từng hạng mục công trình thủy lợi suối Đá. Sau buổi thị sát, nhiều thành viên trong đoàn bày tỏ sự nghi ngờ với khâu thiết kế kênh dẫn nước nằm sâu dưới lòng đất.
Ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chủ đầu tư) trấn an: “Nhìn vậy nhưng không phải vậy! Tất cả hạng mục công trình đều được tính toán rất kỹ, có máy bơm hỗ trợ nên không có chuyện nước không dẫn tới vùng hạ lưu. Đây là kênh dẫn nước tới các hồ chứa, người dân phải dùng máy bơm hút lên tưới nước trong thời gian chưa có kênh mương nội đồng”.
Ông Nguyễn Ngọc Khoa, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh (thành viên đoàn kiểm tra) phản biện: "Không có lý do gì, kênh dẫn nước chạy ngang nhưng ruộng lại “khát nước” và dân phải đầu tư máy bơm hút nước lên tưới. Với người dân xã nghèo nhất tỉnh, mấy hộ có điều kiện để đầu tư máy bơm nước?".
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông cũng chất vấn chủ đầu tư về hàng loạt bất cập như: Vì sao dự án liên tục trễ tiến độ, dù đã được gia hạn 3 lần, nay xin gia hạn thêm lần thứ 4, vậy tới ngày 30/6/2021 có hoàn thành đúng tiến độ không? Vì sao không làm rõ lý do Cty TNHH MTV Cao Thắng (đơn vị thi công giai đoạn đầu) bỏ dự án khi chưa hoàn thành nhiệm vụ? Kinh phí dự án đã giải ngân 76 tỷ đồng, còn 14 tỷ đồng làm sao đủ khắc phục các vấn đề phát sinh? Khâu thiết kế liệu có “vẽ trên giấy” không khi chỉ có kênh dẫn mà không có hệ thống kênh nội đồng dẫn nước tới ruộng…?