Khánh thành hai dự án cao tốc tại Thanh Hóa và Bình Thuận:

Công trình thắng mưa, thắng đại dịch, vượt COVID-19, vượt bão giá

TPO - Sau gần 2 năm rưỡi thi công, Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, chính thức được đưa vào vận hành vào ngày 29/4.

Ngày 29/4, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Thuận chính thức tổ chức khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 theo hình thức trực tuyến giữa 2 điểm cầu. Cụ thể, điểm cầu chính tổ chức tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận (thuộc tuyến cao tốc cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) và một điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, Thanh Hóa (thuộc cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45).

Công trình thắng mưa, thắng đại dịch, vượt COVID-19, vượt bão giá ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ dự lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây.

Dự lễ khánh thành tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km qua tỉnh Bình Thuận (47,5km) và tỉnh Đồng Nai (51,5 km), được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020. Điểm đầu cao tốc giao với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và điểm cuối giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được thiết kế cao tốc loại A vận tốc 120km/h. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, bề rộng làn đường 32,25m; quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe + 2 làn dừng khẩn cấp, bề rộng nền đường 25m. Tổng mức đầu tư trên 12,5 ngàn tỷ đồng do Ban QLDA Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TPHCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam.

Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.

Bộ GTVT cũng đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông để khai thác tạm thời Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, Bộ GTVT cho phép tốc độ lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tối đa 120km/h, tối thiểu 60km/h.

Ngay sau khi Lễ khánh thành kết thúc, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng thời điểm khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuyến Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, có tổng mức đầu tư hơn 12,1ngàn tỷ đồng, có tổng chiều dài 63,37 km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35 km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02 km) cũng được khánh thành.

Dự án này có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn, huyện Yên Mô (Ninh Bình) kết nối với đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và điểm cuối giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) nối tiếp với đường cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Ngoài 2 đoạn đường bộ cao tốc được vận hành vào 29/4, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đưa dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm vào vận hành vào 19/5.

Công trình thắng mưa, thắng đại dịch, vượt COVID, vượt bão giá

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển KTXH.

Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới và đặc biệt là giảm chi phí logistics.

Thủ tướng cho biết, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố; đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km. Việc đưa vào khai thác 2 dự án với tổng chiều dài hơn 160 km nâng tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam lên 800 km.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là các Ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn, làm việc không quản ngày đêm, “3 ca, 4 kíp”, huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành trung ương đã phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT và các địa phương nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền. Đồng thời, biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu cho dự án. Nhân đây Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án, đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà.

Thủ tướng đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả. Trong đó đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đồng thời quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. "Làm sao để đời sống nhân dân phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ một cách bền vững cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt lưu ý đến là sinh kế của nhân dân"- Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng chỉ rõ bài học kinh nghiệm không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp; lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ - mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý và tránh để xảy ra tham nhũng.

Đánh giá về kết quả hoàn thành hai tuyến cao tốc, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là công trình thắng mưa, thắng đại dịch, vượt COVID, vượt bão giá hành động quyết liệt để nổ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tin liên quan