Công trình phơi nắng, dân khát

Công trình phơi nắng, dân khát
TP - Trong khi hàng chục ngàn người dân đang “khát” nước sạch thì gần 2/3 số công trình cấp nước xây xong không hoạt động được, nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

> Công trình 'đắp chiếu', dân thiếu nước
> Hàng loạt công trình cấp nước “đắp chiếu”

Dân khát nước sạch

Năm 2010, người dân xã Thạch Long, Thạch Hà vui mừng vì công trình cấp nước sinh hoạt được khởi công ngay cạnh trụ sở UBND xã. Với công suất lên tới 600m3/ngày, có thể cung cấp cho 1.000 hộ dân.

Công trình được đầu tư lên tới hơn 6 tỷ đồng, do Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường Hà Tĩnh (TTNSVSMT Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư. Cuối năm 2010, công trình được hoàn thành và bàn giao cho UBND xã Thạch Long quản lý và vận hành.

“Ba ngày đầu nước được cấp đủ cho người dân. Sau đó, Cty cấp nước Hà Tĩnh dừng cấp nước. Từ đó đến nay, người dân lại tiếp tục chắt chiu từng giọt nước mưa”, Chủ tịch UBND xã Thạch Long, ông Nguyễn Phi Trưng nói.

Sau hai năm không hoạt động, nhiều hệ thống máy móc bắt đầu gỉ sét, nhà điều hành cửa đóng im ỉm. “Sao lại đi lừa người dân làm chi cho tội nghiệp. Tôi chạy vạy vay gần 2 triệu đồng đóng cho xã để được cấp nước, bỏ ra gần 5 triệu đồng để xây bể chứa. Thế mà chỉ dùng được vài ngày rồi bỏ không”, bà Đường Thị Quang, xóm 7, xã Thạch Long nói.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện có 500 hộ dân xã Thạch Long đã đóng hơn 400 triệu đồng (vốn đối ứng) để xây dựng công trình nước sinh hoạt.

“Nhiều hộ dân nghèo đi vay nợ ngân hàng đến nay vẫn chưa trả hết nợ. Trong khi đó, nước sạch vẫn không có dùng”, một cán bộ xã Thạch Long bức xúc. Được biết, bình quân mỗi năm xã Thạch Long có 6 người chết vì bị ung thư.

Cùng chung số phận với công trình cấp nước sạch Thạch Long, công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, hoàn thiện năm 2006 đến nay không hoạt động được.

Theo thiết kế, công trình xây xong sẽ cấp nước sinh hoạt cho hơn 700 hộ dân trong xã. Sau một tháng vận hành, nước bơm lên không sử dụng được, vì có màu vàng, vị mặn. Chủ đầu tư là UBND xã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không có cơ quan chức năng nào giải quyết.

Sau sáu năm phơi nắng, hệ thống xử lý, trạm bơm hoen gỉ, hàng đống thiết bị đắp chiếu, xuống cấp nghiêm trọng… Được biết, trong số 773 hộ dân đóng góp xây dựng công trình (gần 1 tỷ đổng), có 125 hộ thuộc diện khó khăn phải nhờ Hội phụ nữ xã đứng ra vay tín chấp gần 119 triệu đồng từ dự án của Hội LHPN tỉnh.

Ông Trần Đức Long, thôn trưởng thôn Ngư Tịnh, (một trong 4 thôn được hưởng nước sạch) bức xúc: “Cương Gián đất chật người đông, nghe có nước sạch ai cũng mừng. Nào ngờ giờ tiền mất, nước sạch cũng đi theo”.

Cha chung không ai khóc

Hiện Hà Tĩnh có 57 công trình cấp nước đã được xây dựng, với tổng kinh phí lên tới 326.134 triệu đồng. Trong số 57 công trình, chỉ có 23 công trình hoạt động tốt, 14 công trình chỉ hoạt động phần nhỏ, còn lại 20 công trình bị hư hỏng hoàn toàn hoặc không sử dụng được.

Nguyên nhân dẫn tới lãng phí của các công trình được dẫn ra vẫn là: chưa tìm được tổ chức, cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm! “Công tác thi công, nghiệm thu, bàn giao, quản lý, vận hành khai thác đang bộc lộ nhiều tồn tại. Sự phối hợp giữa các sở ngành với các huyện, thị chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao”, trích báo cáo.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, một số công trình không có nước cho người dân sinh hoạt là do sự “kênh” nhau của hai “ông nước”.

Nhiều lãnh đạo xã cho rằng, sau khi được chủ đầu tư là TTNSVSMT tỉnh bàn giao công trình, lãnh đạo xã trực tiếp lên ký hợp đồng mua nước với Cty TNHH MTV cấp nước Hà Tĩnh thì lãnh đạo Cty này cho rằng, công trình kém chất lượng nên không thể cấp nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, ông Nguyễn Viết Nhất -Giám đốc TTNSVSMT tỉnh thừa nhận có sự việc như lãnh đạo một số xã nêu.

“Khi xây dựng công trình, TTNSVSMT tỉnh làm việc rõ ràng với Cty TNHH MTV cấp nước Hà Tĩnh về mặt thiết kế. Tuy nhiên, khi công trình được xây dựng xong thì Cty này lại nói không có nước”, ông Nhất nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG