'Cõng” tri thức về vùng khó

Các thầy cô và nhóm sinh viên chuyển giao công nghệ trồng nấm bào ngư trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2018 của ÐH Sư phạm (ÐH Ðà Nẵng) tại xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên). Ảnh: NVCC
Các thầy cô và nhóm sinh viên chuyển giao công nghệ trồng nấm bào ngư trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2018 của ÐH Sư phạm (ÐH Ðà Nẵng) tại xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên). Ảnh: NVCC
TP - Nhiều năm qua, ÐH Ðà Nẵng và các đơn vị thành viên chú trọng áp dụng nghiên cứu khoa học của sinh viên cho người dân; Sử dụng tri thức khoa học, chất xám trong các hoạt động tình nguyện tại địa phương để nâng cao chất lượng. Ðến nay nhiều mô hình được chuyển giao hoạt động hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân sau khi chiến dịch Mùa hè xanh kết thúc.

Những mùa hè chuyển giao

Từ ngày được các chiến sĩ Mùa hè xanh năm 2017 của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chuyển giao mô hình trồng nấm bào ngư, chị Lê Thị Hiếu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn coi trồng nấm là một nghề phụ giúp gia đình có thêm thu nhập. Được chuyển giao mô hình trang trại mẫu với chi phí thấp cùng kỹ thuật trồng nấm và 500 bịch nấm để trồng thử nghiệm, vào vụ, mỗi ngày, chị Thủy thu nhập được khoảng 10 - 20kg nấm (mỗi kg nấm giá từ 40.000 - 80.000 đồng). “Nấm ngon và sạch nên bán rất được. Gia đình tôi vẫn trồng theo vụ để có thêm thu nhập”, chị
Hiếu nói.

Gia đình chị Hiếu chỉ là một trong nhiều hộ tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên) được chuyển giao mô hình trồng nấm trong các chiến dịch Mùa hè xanh của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). “Thường thì các nhóm sinh viên sẽ phải đi khảo sát đất đai, vị trí, các hộ dân. Sau đó các em hỗ trợ người dân dựng mô hình trang trại mẫu khoảng 30m2, chuyển giao kĩ thuật, xây dựng nhà xưởng, hệ thống tưới tiêu, cung cấp giống, kĩ thuật cấy giống, chăm sóc, thu hái, cách thức tiêu thụ và bảo quản sản phẩm... Sau khi mùa hè xanh kết thúc, nhóm chuyển giao vẫn tiếp tục giữ liên lạc với người dân để tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật”, cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giảng viên khoa Sinh môi trường, ĐH Sư phạm, cho biết.

Trong Chiến dịch Mùa hè xanh 2017, Đoàn trường ĐH Sư phạm đã chuyển giao 2 vườn cây dược liệu có diện tích 150m2 và 2 mô hình nấm bào ngư (gồm 1.000 bịch nấm) cho các hộ gia đình tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang); năm 2018 chuyển giao kĩ thuật trồng nấm bào ngư cho nông dân tại xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) với 500 bịch nấm bào ngư...

Theo anh Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), việc chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và cây dược liệu là một hoạt động được duy trì thường xuyên để đưa các nghiên cứu công nghệ sinh học về nấm và cây dược liệu của thầy và trò trường Sư phạm đến với các địa phương mà chiến dịch Mùa hè xanh của trường đóng quân. “Giai đoạn đầu, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 100% về giống, kỹ thuật, phương tiện... Sau khi kết thúc chiến dịch, các thầy cô và các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu vẫn thường xuyên theo dõi và hỗ trợ các hộ cho đến khi họ hoàn toàn nắm được kỹ thuật”, anh Phương nói cho biết.

Tình nguyện chất lượng cao

Hoạt động chuyển giao công nghệ trồng nấm sạch trong các chiến dịch Mùa hè xanh của ĐH Sư phạm chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động tình nguyện chất lượng cao, ưu tiên hàm lượng chất xám và tri thức khoa học trong tình nguyện của Đoàn thanh niên ĐH Đà Nẵng. Theo anh Dương Nguyễn Minh Huy, Bí thư Đoàn trường ĐH Đà Nẵng, Đoàn trường đã có chủ trương sử dụng chất xám, tri thức vào các hoạt động trong chiến dịch Mùa hè xanh của các đơn vị thành viên ĐH Đà Nẵng từ rất sớm, khi bắt đầu chiến dịch vào năm 1999.

 “Trong những năm gần đây, Đoàn trường ĐH Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này, khuyến khích các đơn vị tổ chức các hoạt động phát huy chuyên môn, đặc điểm và thế mạnh của mình, trong đó ưu tiên áp dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học, các mô hình kỹ thuật khoa học công nghệ, các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề, nhu cầu xã hội của địa phương trong hoạt động tình nguyện”, anh Huy cho biết.

Trong những năm qua, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh chất lượng cao, áp dụng tri thức khoa học và chất xám trong tình nguyện. Cụ thể, chuyển giao mô hình nông nghiệp công nghệ cao như mô hình trồng nấm bào ngư tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Duy Xuyên (Quảng Nam) của ĐH Sư phạm; nuôi trùn quế tự động kết hợp xử lý rác thải từ chăn nuôi tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), máy đốt nhang tự động của ĐH Bách khoa; xây dựng và lắp ráp các hệ thống đèn đường sử dụng năng lượng mặt trời tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi của sinh viên ĐH Bách khoa và ĐH Sư phạm kỹ thuật; phát triển các đề án du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm địa phương cho các huyện Nam Giang, Duy Xuyên của ĐH Kinh tế...

“Với việc tham gia vào các hoạt động tình nguyện chất lượng cao, các bạn sinh viên có cơ hội trải nghiệm, đóng góp sức mình cho cộng đồng bằng chính những kiến thức, kỹ năng, các mô hình học tập, nghiên cứu khoa học và sự sáng tạo của mình. Nhiều hoạt động, mô hình sau khi bàn giao cho địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp giải quyết những vấn đề xã hội, kinh tế... của địa phương đó”, anh Huy chia sẻ.

Theo Bí thư Ðoàn ÐH Ðà Nẵng Dương Nguyễn Minh Huy, tham gia các hoạt động Mùa hè xanh đã giúp sinh viên nhận thấy được khó khăn thực tiễn tại các địa phương, nắm bắt được những vấn đề cộng đồng, xã hội quan tâm như môi trường, phát triển kinh tế… “Từ đó, nhiều em sinh viên đã có những suy nghĩ, nung nấu các giải pháp trong quá trình học tập cũng như sau khi ra trường để phát triển những sáng kiến, thậm chí khởi nghiệp; giải quyết các vấn đề khó khăn cho địa phương”, anh Huy nói.

Khởi nghiệp từ… Mùa hè xanh

'Cõng” tri thức về vùng khó ảnh 1 Chị Ngô Thị Hồng Vân đang giới thiệu các sản phẩm làm từ nấm tại Triển lãm khởi nghiệp quốc tế Ðà Nẵng 2018. Ảnh: NVCC

Trải qua nhiều mùa hè xanh với nhiệm vụ chính là chuyển giao các mô hình trồng nấm cho địa phương, chị Ngô Thị Hồng Vân (cựu sinh viên khoa Sinh môi trường - ÐH Sư phạm) cùng nhóm bạn đã thành lập một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên các sản phẩm từ nấm sạch.

“Thông qua những hoạt động chuyển giao mô hình và công nghệ trồng nấm trong mùa hè xanh, chúng mình áp dụng được những kiến thức, nghiên cứu trên giảng đường vào thực tiễn. Ðồng thời, thông qua thực tế học được nhiều kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ với bà con địa phương. Ðó cũng là những nền móng đầu tiên để chúng mình mạnh dạn thành lập doanh nghiệp sản xuất nấm và các sản phẩm từ nấm công nghệ cao”, chị Vân chia sẻ.

MỚI - NÓNG