Quyết định để Công Phượng sang Nhật Bản của bầu Đức hướng tới 2 mục tiêu. Một là giúp Công Phượng tích luỹ kinh nghiệm thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao của Nhật Bản và hai, có vẻ như quan trọng hơn, anh sẽ tránh được áp lực từ sự quan tâm quá mức tại Việt Nam, từ cả giới truyền thông và người hâm mộ.
Kể từ khi nổi lên trong màu áo U19 Việt Nam và HA.GL hồi cuối năm 2013, Công Phượng đã trở thành cái tên thu hút sự chú ý nhiều nhất trong đời sống bóng đá Việt Nam. Đến mức có lúc HLV Guillaume Graechen và sau này là ông Toshiya Miura phải kêu gọi tất cả “để cho Công Phượng được yên”. Các scandal liên tiếp ập đến với Công Phượng, cả trong và ngoài sân cỏ. V.League 2015 đánh dấu sự thất bại của tiền đạo gốc Nghệ khi anh không đóng góp được nhiều vào lối chơi chung của HA.GL.
Liên quan đến chuyến du Nhật của Công Phượng, các nguồn tin thân cận với HA.GL vừa qua cho biết, mức phí Mito Hollyhook phải trả cho bản hợp đồng có thời hạn 1 năm của Công Phượng là 100.000 USD. HA.GL mong muốn Công Phượng được ra sân thường xuyên ở J-League 2 để tiền đạo này có điều kiện cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm.
Thông tin này ngay khi đưa ra đã khiến nhiều “fan” HA.GL phải giật mình. Ở thời điểm cơn sốt HA.GL và Công Phượng lên tới đỉnh điểm, rất nhiều thông tin đã được tung ra, rằng các CLB nước ngoài muốn chiêu mộ tiền đạo gốc Nghệ và 1 số đồng đội, với số tiền lên tới hàng triệu USD. Cao nhất là 4 triệu USD đối với Công Phượng. Dù không có nhiều kênh để kiểm chứng, nhưng những thông tin kiểu trên đã khiến không ít “fan” của HA.GL thêm ngất ngây, bất chấp những so sánh rất đáng để suy ngẫm.
Nhiều nơi đã tra cứu và nhận ra rằng với mức phí chuyển nhượng 4 triệu USD, giá trị của Công Phượng đã vượt qua nhiều ngôi sao tầm cỡ thế giới ở cùng độ tuổi. Đơn cử như tiền đạo Luis Suarez của Barcelona. Ở tuổi 19, Luis Suarez chỉ được định giá khoảng 350.000 USD. Luis Suarez sau đó khi đầu quân cho CLB Gronigen của Hà Lan vào năm 2006 với mức giá 1 triệu USD. Vua phá lưới World Cup 2014 James Rodriguez khi 19 tuổi cũng chỉ được định giá vào khoảng 2,1-3,5 triệu USD. Một số trường hợp khác ở tuổi 19 cũng có mức giá chưa đến 4 triệu USD như chân sút Karim Benzema (Pháp) là 2,9 triệu USD, Marco Reus (Đức) 350.000 USD hay như Kagawa (Nhật Bản) 2,4 triệu USD. Nếu so với các tên tuổi này, thì mức giá Mito Hollyhook trả cho Công Phượng như các thông tin có tính xác thực cao như vừa qua, 100.000 USD, tỏ ra chính xác hơn.
Truyền thông quá đà
Bàn về chuyện này để thấy rằng, sự quá đà của một bộ phận truyền thông và công chúng đã vô tình đẩy HA.GL và các cầu thủ trẻ ở đội bóng này vào tình trạng rất không đáng có. Đội bóng phố Núi bị đặt vào thế đối nghịch với phần còn lại của cả nền bóng đá, trong khi bầu Đức trong men say, đã có nhiều quyết định bị đánh giá là sai lầm về chuyên môn. Người ta gây hấn với tất cả những gì ngược lại với HA.GL, từ 13 đội bóng ở V.League đến cả HLV Toshiya Miura.
Khó có thể phủ nhận Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…là những cầu thủ được đào tạo căn bản, có nền tảng kỹ thuật tốt, HA.GL là đội bóng có lối chơi nhuần nhuyễn, đẹp mắt qua thời gian dài ăn tập. Người hâm mộ có lý khi mong chờ lứa quân của bầu Đức sẽ tạo nên những đột biến cho bóng đá Việt Nam. Nhưng để đạt được những thành tựu như mong đợi, các cầu thủ HA.GL còn cần rất nhiều thời gian để rèn luyện. Đốt cháy giai đoạn có thể khiến cả 1 lứa cầu thủ tiềm năng thui chột, đấy là cảnh báo của giới chuyên môn.
Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, không có nhiều đội bóng được yêu mến nhiều như HA.GL. Nhưng ở chiều ngược lại, số người dị ứng với cách đội bóng của bầu Đức được tung hô cũng không ít.
Không công bằng ở chỗ, lỗi lại chắc chắn không phải do các cầu thủ trẻ.
Liên quan chuyến du Nhật của Công Phượng, các nguồn tin thân cận với HA.GL vừa qua cho biết, mức phí Mito Hollyhook phải trả cho bản hợp đồng có thời hạn 1 năm của Công Phượng là 100.000 USD.