Trước khi diễn ra trận đấu này, kế hoạch của U22 Việt Nam là đánh bại U22 Timor Leste và U22 Macau (Trung Quốc) với tỷ số đậm nhất có thể ở 2 lượt trận diễn ra vào ngày 19/7 và 21/7, sau đó sẽ cố gắng cầm hòa hoặc hạn chế số bàn thua ở mức tối thiểu khi gặp U22 Hàn Quốc ở lượt trận ngày 23/7, để đạt mục tiêu lọt vào VCK giải U23 châu Á năm 2018 với tư cách là 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, vì ngôi nhất bảng I đã được mặc định thuộc về U22 Hàn Quốc, đội bóng đến từ nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ đã xuất hiện ở lượt trận thứ 2 diễn ra vào ngày 21/7, khi U22 Hàn Quốc bị U22 Timor Leste cầm hòa với tỷ số 0-0, còn U22 Việt Nam bỏ túi trọn vẹn 6 điểm sau 2 trận thắng như dự kiến, khiến U22 Việt Nam đột nhiên đứng trước cơ hội kết thúc vòng loại với vị trí nhất bảng để đoạt vé chính thức tới Trung Quốc tham dự VCK giải U23 châu Á năm 2018. Kịch bản trong mơ này sẽ xảy ra nếu như U22 Việt Nam cầm chân được U22 Hàn Quốc ở trận đấu chiều nay, bất kể với tỷ số bao nhiêu.
Lúc này nhiều CĐV Việt Nam lại nhớ tới cột mốc lịch sử hồi tháng 10 năm 2003, khi ĐT Việt Nam với các cầu thủ U23 làm nòng cốt đã đánh bại ĐT Hàn Quốc với tỷ số 1-0 tại trận đấu lượt về ở vòng loại Asian Cup 2004 diễn ra ở Muscat (Oman).
Đấy thực sự là một chiến thắng lịch sử, vì thành phần đá chính của ĐT Việt Nam khi ấy 100% là các cầu thủ U23 để chuẩn bị cho SEA Games 22 diễn ra 2 tháng sau đó tại Việt Nam, còn ĐT Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều trụ cột trong đội hình vừa vào tới bán kết World Cup 2002 trước đó 1 năm, và ở lượt đi, ĐT Hàn Quốc còn đè bẹp ĐT Việt Nam với tỷ số 5-0.
Người ghi bàn lập công cho ĐT Việt Nam ở trận đấu lịch sử ấy là Văn Quyến, cầu thủ có nhiều nét tương đồng với Công Phượng, đầu tàu trên hàng công ĐT U22 Việt Nam hiện tại. Văn Quyến và Công Phượng cùng xuất phát từ những vùng quê nghèo ở Nghệ An và cả 2 cầu thủ này đều thuận chân phải.
Giống như Văn Quyến, Công Phượng cũng nổi tiếng từ khi mới ở tuổi 16, 17, và đặc điểm khiến người ta luôn so sánh 2 tiền đạo này với nhau là việc họ cùng có khả năng giải quyết trận đấu chỉ bằng khoảnh khắc bùng nổ của cá nhân. Cách đây 2 năm, Công Phượng từng được kỳ vọng sẽ sắm vai người hùng như Văn Quyến năm 2003, khi ĐT Việt Nam gặp ĐT Iraq trong trận đấu mà ĐT Việt Nam buộc phải thắng ở vòng loại World Cup 2018.
Lúc đó, khi được hỏi về chiến thắng lịch sử của ĐT Việt Nam trước ĐT Hàn Quốc tại Muscat năm 2003, cựu tiền vệ Quốc Vượng, đồng đội của Văn Quyến ở kỳ giải năm đó, chia sẻ: “Thật ra mà nói, nếu không có sự may mắn đồng hành thì chúng tôi còn lâu mới thắng được Hàn Quốc. Trận đó, cầu thủ họ như bị ma ám, sút toàn trúng cột dọc, xà ngang, còn nếu chính xác thì U23 Việt đã thua 4 đến 5-0 rồi.
Thế nên, tôi cho rằng để có thể tạo nên địa chấn trước một đội bóng vượt trội chúng ta về đẳng cấp như Iraq, ĐT Việt Nam phải hội tụ đủ 3 yếu tố. Một là may mắn, hai là tinh thần đoàn kết, ba là sự tỏa sáng của cá nhân kiệt xuất”.
Và trả lời câu hỏi ai có thể đóng vai cá nhân kiệt xuất cho ĐT Việt Nam ở thời điểm năm 2015, Quốc Vượng cho biết: “Theo tôi người đó chỉ có thể là Công Phượng. Cầu thủ này giống Văn Quyến ngày nào, ở khả năng kỹ thuật bẩm sinh, sự tự tin, lỳ lợm, máu lạnh, dám cầm bóng đột phá… Nếu Công Phượng được bố trí đá tự do sau lưng tiền đạo cắm, khả năng Công Phượng tỏa sáng sẽ rất cao”.
Rốt cục dự đoán của Quốc Vượng đã không trở thành hiện thực khi ĐT Việt Nam hứng chịu thất bại 0-1 trước ĐT Iraq và bị loại khỏi vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á.
Thế nhưng, vai trò quan trọng của Công Phượng ở ĐT Việt Nam nói chung và ĐT U22 Việt Nam nói riêng thì chưa bao giờ suy giảm, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, khi HLV Hữu Thắng rất cần một tài năng đặc biệt như Công Phượng để đối đầu với U22 Hàn Quốc mạnh hơn về mọi mặt.