Khi đã qua thời mà người người, nhà nhà chỉ lo sao cho đủ “cơm no áo ấm,” số đông người dân giờ đây đã có nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp” và nhiều người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm hay đến các cơ sở làm đẹp, thậm chí không ít người đã có điều kiện để thực hiện “cuộc cách mạng” về hình thức.
Tuy phẫu thuật thẩm mỹ chưa thực sự phát triển mạnh nhưng các dịch vụ chăm sóc không dùng đến phẫu thuật đang rất thịnh hành. Tại các đô thị lớn, dịch vụ làm tóc, tạo hình móng tay chân, chăm sóc da mặt, trang điểm và kinh doanh mỹ phẩm đang “hái ra tiền”.
Điều tra của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen cho thấy, vài năm gần đây, thị trường mỹ phẩm Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng khá đều đặn, khoảng 16% mỗi năm. Riêng năm 2006, người tiêu dùng đã chi tới 82 triệu USD cho việc mua các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Theo thông tin từ các đại lý mỹ phẩm danh tiếng, số người dám bỏ ra khoảng 500-700 USD cho một lần mua sắm đồ làm đẹp tại Việt Nam đã không còn là hiếm.
Chị Nguyễn Hồng Nga, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội, thừa nhận đã thường xuyên chi tới một phần ba tiền lương cho việc mua mỹ phẩm và các dịch vụ làm đẹp bởi “khoản đầu tư này khiến tôi thấy yêu đời, tự tin trong công việc và cuộc sống”.
Chủng loại mỹ phẩm được tiêu thị trên thị trường hiện rất đa dang với nhiều phân khúc phù hợp từng nhóm đối tượng. Ngoài sự góp mặt rất khiêm tốn của một số hãng mỹ phẩm trong nước, cuộc đua tranh giành thị phần chủ yếu thuộc về các nhãn mỹ phẩm nổi tiếng thế giới như Shiseido, L’Oreal, Estee Lauder, Avon, Debon…
Đi kèm với sự gia tăng nhu cầu dùng mỹ phẩm là tốc độ phát triển rầm rộ của các cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Những cơ sở chuyên nghiệp có uy tín tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn chật cứng khách vào dịp cuối tuần.
Chủ một trong những điểm spa đầu tiên tại Việt Nam cho biết, khách hàng của chị hầu hết là những người sành điệu, có khi sẵn sàng chi cả trăm đôla cho một giờ hưởng thụ tại spa. Một số chị em còn “chịu chơi” hơn khi thiết kế một spa tại nhà với thiết bị hiện đại không thua kém các cơ sở chuyên nghiệp.
Không chỉ phục vụ phái nữ, giới kinh doanh dịch vụ này cũng đang bắt đầu “để mắt” đến nhu cầu làm đẹp của các quý ông. Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết không ít người đàn ông trong giới doanh nhân thành đạt hiện nay sẵn sàng rút hầu bao đầu tư cho việc hoàn thiện hình ảnh bên ngoài của mình.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Vân, tình trạng phát triển tràn lan, khó thẩm định được chất lượng của mỹ phẩm và khả năng chuyên môn của các cơ sở làm đẹp đang là nỗi đau đầu của các nhà chuyên môn và quản lý. Bên cạnh đó còn là sự lép vế của ngành công nghiệp mỹ phẩm trong nước khi gần như nhường toàn bộ “sân nhà” cho các hãng mỹ phẩm ngoại.
Bởi vậy, ngoài việc khuyến cáo người dân hãy luôn là “người tiêu dùng thông minh” khi lựa chọn mỹ phẩm và cơ sở làm đẹp, các cơ quan chức năng cũng có kế hoạch tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm, thẩm định các cơ sở thẩm mỹ và tìm giải pháp để kích thích ngành công nghiệp mỹ phẩm trong nước phát triển./.
Theo Hương Giang
Vietnam+