Thông tin đáng chú ý trên vừa được ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc VQG Vũ Quang thông tin tới PV vào sáng nay, 9/5.
Theo ông Kỳ, trong đợt thực địa, nghiên cứu tại độ cao 1.445m, thuộc tiểu khu 203 (gần biên giới Việt-Lào) gần đây, các nhà nghiên cứu cùng cán bộ của vườn đã bất ngờ phát hiện một quần thể pơ mu mới, trong đó đáng chú ý là một cây pơ mu có kích thước rất lớn, với đường kính đo được đoạn gốc lên đến 2,20m, chiều cao gần 30m.
Sau khi phát hiện, đơn vị đã báo cáo tỉnh, cơ quan trung ương, đồng thời mời chuyên gia về tiếp cận cây pơ mu khủng để nghiên cứu.
Bước đầu các chuyên gia nhận định, cây pơ mu này có niên đại khoảng 800 - 1.000 năm. Hiện nay, Vườn quốc gia Vũ Quang đang phối hợp với nhóm nghiên cứu nói trên để phân tích, cho kết quả cụ thể...
Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng - Chuyên viên Phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Vũ Quang) cho biết: "Qua kiểm tra, nhóm nghiên cứu chúng tôi ghi nhận sơ bộ, ngoài cây lớn nhất này, quần thể pơ mu vừa phát hiện tại Tiểu khu 203 phân bố với mật độ dày và có một số cây lên đến hàng trăm năm tuổi…".
Cũng theo ông Hùng, pơ mu là loài khó tái sinh nhưng ở khu vực vừa mới phát hiện có rất nhiều cây non. Vùng này quanh năm sương mù bao phủ, ẩm ướt, nhiệt độ về đêm chỉ 9-10 độ C nên mức độ tái sinh của loài này ở khu vực này rất cao.
Đây được xem là tín hiệu rất tốt cho công tác bảo tồn và phát triển của loài pơ mu tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Ông Nguyễn Danh Kỳ cho biết, hiện cây pơ mu khủng, cực quý này được đơn vị lên phương án bảo vệ nghiêm ngặt, tránh kẻ xấu đột nhập vào vườn cưa trộm.
Pơ mu có tên khoa học Fokienia hodginsii (Dunn) A.Henry & H.H.Thomas là loài thực vật thuộc họ Hoàng Đàn (Cupressaceae), là loài thực vật quý hiếm có giá trị về mặt sử dụng cũng như bảo tồn.
Tại Việt Nam loài nằm trong danh lục thuộc nhóm 2A là nhóm “hạn chế khai thác và sử dụng” thuộc Nghị định số 32 ngày 30/3/2006 c ủa chính phủ về "Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm".
Sách đỏ Việt Nam 2007 xếp loài ở mức độ bảo tồn rất cao EN là nhóm các loài “nguy cấp”. Danh lục sách đỏ quốc tế IUCN xếp loài ở mức độ bảo tồn LR.