Công nghệ thời hiện đại: Niềm vui hay nỗi đau đối với người khuyết tật?

0:00 / 0:00
0:00
Với người khuyết tật, công nghệ ngày càng trở nên ý nghĩa khi giúp họ giải quyết được những khó khăn trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nếu không được trang bị đủ kiến thức, đây lại là nhóm đối tượng dễ dàng bị lừa đảo trên mạng.

"Bẫy" kiếm tiền nhàn nhã lừa người khuyết tật

Theo thống kê của We Are Social và Meltwater, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương với 79,1% tổng dân số. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển đó là 21,2 ngàn tỷ đồng thất thoát từ các cuộc tấn công mạng, số cuộc lừa đảo trực tuyến ước tính tăng tới 44% so với năm 2021 và hàng triệu nội dung độc hại vẫn phát tán trên mạng mỗi ngày.

Một số chuyên gia cho biết, tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, không từ thủ đoạn. “Những người bình thường có kiến thức về mạng xã hội còn dễ mắc bẫy thì cộng đồng yếu thế gồm người khuyết tật (NKT), phụ nữ có thu nhập thấp lại càng dễ trở thành "con mồi" vì họ có ít kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, và mong muốn sống tự lập, chủ động kiếm thêm thu nhập”, Tiến sĩ Abdul Rohman, Đại diện nhóm nghiên cứu Đại học RMIT Việt Nam nói.

Công nghệ thời hiện đại: Niềm vui hay nỗi đau đối với người khuyết tật? ảnh 1

Chia sẻ với báo chí, chị Ng. là NKT sinh sống tại Thái Nguyên kể rằng, trong một lần lướt Facebook, chị vô tình đọc được bài viết về công việc phù hợp với NKT, cam kết không thế chấp, không phải “ôm hàng”.

Ngay lập tức, chị Ng. chủ động liên hệ xin việc và chỉ trong vài ngày, chị kiếm được 200.000 đồng và được nhiều khách hàng hỏi mua sản phẩm. Chị quyết tâm nhập số lượng lớn hàng hóa về bán. Thế nhưng, tất cả khách hàng đều “mất hút” còn hàng hóa thì ngổn ngang chất đầy trong nhà chị. Đó là khi chị Ng. nhận ra mình bị lừa một cách tinh vi và số tiền tiết kiệm từ trợ cấp khuyết tật ít ỏi cũng đi theo những trò lừa đảo thật trên mạng ảo.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp lừa đảo chóng vánh hơn khi đối tượng chủ động hẹn gặp NKT để giới thiệu việc làm, mời chào kinh doanh, nhưng khi đến nơi, NKT lại bị lợi dụng để chụp ảnh, quay video làm sao để lộ rõ những khuyết điểm trên cơ thể nhất với nội dung "nhân viên bán hàng xuất sắc", trong khi đây là lần đầu tiên NKT biết đến hình thức kinh doanh này.

RMIT Việt Nam: Tăng cường kỹ năng bảo vệ bản thân cho người yếu thế trong thời đại số

Nhận thấy thực trạng này cần có giải pháp triệt để, Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế ở TP. HCM và Hà Nội được nhóm nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam tâm huyết triển khai, nhằm tăng cường kiến thức kỹ thuật số và kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân của các cộng đồng yếu thế bao gồm phụ nữ nội trợ và NKT.

Với sự hỗ trợ của Traveloka, Dự án đã đào tạo 12 bạn trẻ là người khiếm thị và khiếm thính tại Hà Nội và 16 sinh viên đến từ các trường đại học tại TP. HCM về các kiến thức liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư kỹ thuật số.

“Sau khi được đào tạo và tự tay tổ chức một buổi training cho cộng đồng người yếu thế, mình nắm được các thông tin hữu ích và cần thiết để có thể chia sẻ lại cho các cô, các bác gái. Mình có cơ hội được hiểu hơn thế nào là năng lực số và nhận ra rằng phần kiến thức này cần được tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa cho các nhóm người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ”, Lê Thị Kim Vân – Sinh viên một trường ĐH tại TPHCM.

Nhờ tâm huyết của những sinh viên như Vy, Dự án đã hoàn thành mục tiêu đào tạo cho cộng đồng NKT tại Hà Nội. Thông qua 6 buổi chia sẻ, Dự án đã góp phần nâng cao năng lực kỹ thuật số và kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân cho 289 người (206 phụ nữ, 83 nam giới) bao gồm người khiếm thị, người khiếm thính, và người khuyết tật vận động. Tại TP. HCM và Tiền Giang, Dự án đã triển khai thành công 11 buổi đào tạo cộng đồng, đào tạo được 391 người thuộc cộng đồng yếu thế nơi đây.

Sau khóa đào tạo, Nguyễn Hồng Quân, một người khiếm thị, khuyết tật vận động chia sẻ rằng: “Trước khi được tham gia Dự án, bản thân tôi đã gặp một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng, nhưng khi đó, tôi chưa có nhiều kiến thức để nhận biết và cũng rất lúng túng khi tìm các biện pháp phòng tránh. Thông qua những buổi tập huấn, các giảng viên trong ban tổ chức đã trang bị thêm cho tôi rất nhiều kiến thức mới bổ ích về việc đối phó với các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Tôi rất mong tiếp tục được tham gia các buổi tập huấn tiếp theo”.

Công nghệ thời hiện đại: Niềm vui hay nỗi đau đối với người khuyết tật? ảnh 2

Chia sẻ với báo chí, đại diện Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế cho biết sắp tới, hai cuộc đối thoại chính sách sẽ được diễn ra vào tháng 12 tới đây tại TP. HCM và Hà Nội với sự tham gia của Chính phủ, nhóm nghiên cứu RMIT Việt Nam, và các bên liên quan.

MỚI - NÓNG