Tại sao phải bẻ khóa? Đây là câu hỏi khá thú vị bởi nó liên quan chủ yếu tới dòng thiết bị số cao cấp của Apple. Đã là đồ của Apple thì “nhà nghèo” đừng có mơ sờ tay vào. Đó là chưa kể hãng này còn áp đặt hàng loạt các quy định mang tính độc quyền khác. Nếu như cách đây vài năm, độc quyền luôn là vấn đề không mấy dễ chịu đối với người dùng sản phẩm Microsoft, nhất là hệ điều hành Windows, thì nay nó đã chuyển qua Apple với dòng sản phẩm cao cấp mang thương hiệu của hãng này.
Để hỗ trợ cho iPhone, Apple đã khai trương kho ứng dụng khổng lồ mang tên Apps Store. Nếu là iPhone xịn mua trực tiếp từ Apple hoặc từ đại lý phân phối của hãng này thì có thể thoải mái sử dụng các ứng dụng trên Apps Store. Nhưng khổ nỗi không phải ở đâu cũng có đại lý Apple, và đa phần những chiếc iPhone, iPad hoặc iPod hiện nay được phân phối qua con đường xách tay. Đối với những sản phẩm được coi là không chính thức này, chúng không thể truy cập vào dịch vụ của Apple. Vì thế mới có hiện tượng bẻ khóa iPhone để chúng được sử dụng những dịch vụ này.
Vẫn liên quan tới yếu tố độc quyền, Apple không cho phép các ứng dụng của bên thứ ba mà không được hãng này thông qua được chạy trên iPhone hoặc các thiết bị cầm tay khác của hãng. Thế nhưng thực tế lại có rất nhiều ứng dụng thứ ba hữu ích mà người dùng muốn sử dụng. Rõ ràng, người tiêu dùng không thể chờ đợi. Một lần nữa, công nghệ bẻ khóa trở nên cần thiết để xóa bỏ những rào cản này.
Nhu cầu lớn
Theo anh Quốc Huy, phụ trách cửa hàng Nhật Cường Mobile tại Lý Quốc Sư, Hà Nội, nhu cầu bẻ khóa các sản phẩm Apple hiện nay rất lớn. Một chiếc iPhone 3GS hoặc iPad mới về Việt Nam có giá gần 20 triệu đồng nên người dùng luôn có tâm lý muốn tận hưởng những tiện ích thú vị nhất để xứng với đồng tiền bỏ ra. Vấn đề ở chỗ các cửa hãng điện thoại trong nước hiện nay không phải là đại lý chính thức của Apple, ngoại trừ hai nhà mạng Vinaphone và Viettel vừa nhập iPhone từ Apple hồi đầu năm nay.
Theo anh Huy, nguồn hàng iPhone, iPod hoặc iPad chủ yếu của các cửa hàng hiện nay là theo đường xách tay. Giá cả lên xuống tùy vào từng thời điểm. Thiết bị là “xịn” nhưng đôi khi chúng bị giới hạn tính năng bởi trước đó chúng bị trói buộc với các nhà mạng nước ngoài. Khi về Việt Nam, các thiết bị này bắt buộc phải bẻ khóa mới có thể dùng được SIM trong nước. Ngoài ra, các cửa hàng điện thoại sẵn sàng cung cấp dịch vụ bẻ khóa này để người dùng có thể cài đặt phần mềm, download ứng dụng từ Apps Store, và thậm chí là mua nhạc (cũng bằng tài khoản hack) từ Apple.
Apple: Bẻ khóa là phạm pháp
Hãng Apple luôn khẳng định rằng những chiếc iPhone, iPod hoặc iPad bẻ khóa đều bị hãng này coi là phạm pháp và sẽ không được bảo hành. Apple cũng không chịu bất cứ trách nhiệm nào nếu phần mềm thiết bị can thiệp. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu chiếc iPhone ra mắt đã có hẳn một nhóm người chuyên viết phần mềm bẻ khóa nổi tiếng nhất là iPhone Dev Team với phần mềm PwnageTool (dành cho iPhone), và redsn0w lite (dành cho iPod Touch).
Apple đã không thể ngăn chặn được điều này, thậm chí khi hệ điều hành iPhone OS 3.0 chưa chính thức ra mắt thì iPhone Dev Team đã có ngay phần mềm bẻ khóa phiên bản này rồi. Để đối phó với các nhóm này, Apple đã làm việc với các nhà phát triển ứng dụng iPhone, bắt họ ký cam kết không bẻ khóa hoặc tạo ứng dụng cho điện thoại đã bị bẻ khóa. Thế nhưng điều này cũng không ngăn được tình trạng bẻ khóa các dòng sản phẩm của Apple.
Mặc dù tuyên bố không bảo hành các sản phẩm bị bẻ khóa nhưng bản thân Apple cũng khó có thể phát hiện những chiếc điện thoại (iPhone), máy nghe nhạc (iPod) và máy tính bảng (iPad) nào đã bị bẻ khóa. Theo anh Cường, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ Apple trên đường Chùa Bộc, Hà Nội, các cửa hàng hay thậm chí là cả người dùng cũng có thể cấu hình lại iPhone để đưa chúng về trạng thái nguyên thủy ban đầu. Và để thực hiện điều này, người ta chỉ cần sử dụng công cụ của chính Apple, đó là phần mềm iTunes.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định cho rằng tuy “đao to búa lớn” nhưng Apple sẽ không dám triệt hạ ngành công nghiệp bẻ khóa vì Apple thừa biết rằng đó chính là kênh phân phối và quảng bá hữu hiệu nhất cho các sản phẩm của hãng này.
Tuy Vinaphone và Viettel phân phối iPhone chính hãng tại Việt Nam nhưng số lượng tiêu thụ lại không nhiều, chủ yếu là do chính sách bán hàng thiếu hợp lý. Người dùng vẫn phải trả một số tiền rất lớn để có thể sử dụng những chiếc iPhone này. Đó là chưa kể họ phải ký hợp đồng dịch vụ từ 1-2 năm với khoản phí hàng tháng có thể lên tới hàng triệu đồng. Chính sự bất hợp lý đó đã khiến cho nhiều người tìm đến iPhone tại các cửa hàng bên ngoài. Tất nhiên, iPhone của các cửa hàng chủ yếu đã được bẻ khóa và người dùng vẫn phải trả một khoản phí nhỏ. |