Đây là bước thay thế, sửa đổi Nghị định 209 năm 2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng cũng như Nghị định 49/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ một số điều của Nghị định 209.
Theo Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Lê Quang Hùng, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng gồm 8 chương, 50 điều và được biên soạn với quan điểm giữ nguyên các nội dung phù hợp và loại bỏ, sửa đổi những nội dung bất cập của Nghị định 209/2004/NĐ-CP, bổ sung những yếu tố mới cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Tư tưởng chỉ đạo cho việc biên soạn Dự thảo Nghị định này là làm rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý chất lượng công trình, làm rõ hơn vai trò kiểm soát chất lượng của cơ quan quản lý Nhà nước, của người quyết định đầu tư trong các công đoạn xây dựng, giảm thiểu thủ tục hành chính, lồng ghép đầy đủ các yếu tố tác động đến chất lượng...
Về việc tăng cường quản lý, kiểm soát năng lực các nhà thầu, Nghị định mới khuyến khích các nhà thầu tự công bố danh tính, cập nhật thông tin về năng lực của mình trên trang thông tin điện tử do cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng) quản lý. Điều này vừa giúp các chủ thể xã hội dễ dàng tìm kiếm thông tin nhà thầu, vừa có tác dụng đối với việc kiểm tra kiểm soát của các cấp quản lý.
Dự thảo cũng lần đầu tiên đề xuất đánh giá kết quả thực hiện công việc của các nhà thầu là tốt hay chưa tốt qua từng công trình dự án cụ thể và được cập nhật, đăng tải trên trang thông tin điện tử. Đây sẽ là một trong những tiêu chí để chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu ở các công trình tiếp theo.
Đây là hình thức mới nhằm quản lý được năng lực của các chủ thể, một trong những điều kiện tiên quyết để công trình có chất lượng tốt.
Trước mắt, chỉ khuyến khích các nhà thầu tự đăng ký thông tin năng lực. Sau thời gian nhất định (khoản 3 năm) có thể tiến tới quy định đăng ký thông tin bắt buộc.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định cũng quy định chỉ cho phép các nhà thầu có đăng kỹ thông tin năng lực mới được tham gia nhận thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để khuyến khích các nhà thầu tham gia việc đăng ký này.
Từ chỗ khuyến khích thông tin, công khai hóa năng lực, điểm đặc biệt là Nghị định mới áp chế: với những công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu đã được đăng ký và công bố thông tin về năng lực trên website nói trên… Do vậy, chỉ những đơn vị rõ ràng, đầy đủ thông tin, năng lực mới được tham gia các công trình lớn, khắc phục được tình trạng thiếu thông tin.
Bên cạnh việc tăng cường thông tin, công khai minh bạch hóa hoạt động, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này sẽ được quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Ngoài hình thức phạt tiền tối đa lên tới 500 triệu đồng như trước đây, những trường hợp gian dối, vi phạm pháp luật trong chất lượng công trình xây dựng có thể bị dừng thi công, tước giấy phép kinh doanh xây dựng...
Theo pháp luật hiện hành, người quyết định đầu tư (Nhà nước) chỉ kiểm soát chất lượng thiết kế thông qua việc thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở. Thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công hoàn toàn giao hết cho chủ đầu tư. Điều này chưa đủ cơ sở để người quyết định đầu tư kiểm tra về đảm bảo an toàn công trình và dự toán xây dựng.
Trong thực tế nhiều chủ đầu tư không có chuyên môn về xây dựng đã thuê đơn vị tư vấn thẩm tra trước khi thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, nhưng hoạt động này nhiều trường hợp rất hình thức, không đảm bảo chất lượng thiết kế, dự toán, nhất là tại các công trình sử dụng vốn Nhà nước.
Dự thảo nghị định mới đề xuất, kiểm tra thiết kế của người quyết định đầu tư; kiểm tra thiết kế của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; kiểm tra việc nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Dự thảo cũng quy định rõ chỉ kiểm tra một lần trong trường hợp người quyết định đầu tư đồng thời là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh chồng chéo.
Mở rộng, bổ sung quy định về quản lý an toàn thi công xây dựng. Thể hiện ở chỗ nếu trước đây quy định chỉ dừng ở an toàn lao động thì nay còn điều chỉnh, quản lý cả về an toàn công trình chính, an toàn công trình phụ trợ và lân cận; phân loại, kiểm soát các sự cố, rủi ro bất thường...
Việc đánh giá kết quả thực hiện của các nhà thầu là hình thức để kiểm soát và cập nhật thông tin về năng lực của các nhà thầu; đồng thời là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hình thức khen thưởng, ưu đãi trong đấu thầu đối với các nhà thầu có thành tích tốt và xử lý vi phạm đối với những nhà thầu có vi phạm về chất lượng công trình.
Trước đó, ngày ngày 25-11-2011 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Tham gia Hội thảo có đại diện Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các Sở Xây dựng các tỉnh khu vực phía Bắc; đại diện các Hội, Hiệp hội chuyên ngành, các công ty tư vấn, nhà thầu xây dựng, ban quản lý dự án; đại diện tổ chức JICA Nhật Bản tại Việt Nam.
An Huy