Để nhà chùa có thể mở mang thêm cơ sở thờ tự, tu tập, để tư tưởng Phật giáo có thể đến được với nhiều người hơn... Nó không phụ thuộc vào chùa to hay nhỏ, tượng Phật mới hay cũ. Nó đã thành một truyền thống từ ngàn đời. Đi chùa còn là hành hương, nguyên việc tới chùa lắng tâm đã tích lũy công đức rồi.
Ngày nay mọi việc đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều. Bạn chỉ cần tìm web hoặc trang mạng xã hội của các ngôi chùa nổi tiếng hoặc của Hội Phật giáo và làm theo hướng dẫn: cúng dường qua ví điện tử. Thoạt đầu mọi người cho rằng có sự giả mạo để trục lợi ở đây nhưng không phải.
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết đây chính là thử nghiệm của Giáo hội đang được áp dụng cho 12 chùa bao gồm Phúc Khánh (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Phật Tích (Bắc Ninh), Đại Tuệ (Nghệ An)... Bắt đầu từ Tết năm nay, xuất phát từ tình hình đại dịch không được tập trung đông người. Một lý do tích cực nữa là cúng dường kiểu này sẽ dễ dàng minh bạch được số tiền công đức và tất nhiên cũng đỡ phải lo bảo vệ hòm công đức(!)
Với cách thức mới mẻ này, việc cúng dường có vẻ cũng trở nên giống như các giao dịch tiền nong trong đời sống. Cứ quẹt thẻ quét mã là tiện nhất. Ngay cả khi bạn đã cất công đến tận chùa vẫn có thể cúng dường trực tuyến. Đó là thực tế đã diễn ra mấy năm trước ở các chùa bên Trung Quốc. Thậm chí ăn mày bên đó cũng có tài khoản ngân hàng, ví điện tử như ai.
Theo phản ánh của một tờ báo thì những người ăn xin “sành điệu” này được các doanh nghiệp địa phương thuê và trả công bằng tiền để sử dụng công nghệ quẹt thẻ, quét mã. Động cơ của các doanh nghiệp này là thu thập dữ liệu khách hàng bán lại cho các công ty tiếp thị, bán hàng… Mỗi lần nhận tiền của nhà hảo tâm bằng hình thức quét QR Code, người ăn xin được công ty trả số tiền tương đương 3.300 VNĐ. Tính ra một “cái bang” thời đại như thế có thể thu nhập 15 triệu đồng/tháng, mà tuần cũng chỉ phải làm 45 tiếng.
Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng cho thanh toán trực tuyến mà hình thức mới là ví điện tử. Theo báo cáo của J.P.Morgan, giá trị giao dịch thương mại qua ví điện tử ở Việt Nam dù chỉ chiếm 19% nhưng cũng đã ngang với thanh toán tiền mặt. Thanh toán qua thẻ đang chiếm giá trị cao nhất 34%, sau đó là chuyển khoản 22%. Hoạt động cúng dường gây chú ý kể trên cũng chính là sự kết hợp khá ăn ý giữa T.Ư Hội Phật giáo Việt Nam và một thương hiệu ví điện tử.
Cúng dường đã cho phép online, các ứng dụng công nghệ thực tế ảo cũng thừa sức tạo nên những ngôi chùa như thật để du khách thăm quan trực tuyến. Chỉ có Phật là vẫn tại tâm, bạn không cần phải tìm kiếm đâu xa ngoài bên trong chính mình.