Công dân vẫn bị hạn chế quyền bào chữa?

Công dân vẫn bị hạn chế quyền bào chữa?
TP - “Nếu trên sân bóng chỉ có một đội là viện kiểm sát, công an dẫn dắt bóng, sút vào gôn, không có đối phương là các luật sư ra cản, thì rất khó có công lý, chân lý. Như thế rất có thể xảy ra trường hợp người vô tội trở thành có tội, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng quyền con người”.

> Bỏ giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư?

Phần lớn các luật sư cho rằng, các cơ quan tố tụng không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can trong việc nhờ người bào chữa. Ảnh: Đinh Anh Tuấn
Phần lớn các luật sư cho rằng, các cơ quan tố tụng không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can trong việc nhờ người bào chữa. Ảnh: Đinh Anh Tuấn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) ví von như trên, tại buổi tổng kết một năm thi hành Thông tư số 70/2011 của Bộ Công an, quy định về việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự (Thông tư 70), do LĐLSVN tổ chức hôm qua (9/7), tại Hà Nội.

Bị can vẫn bị cản trở

Theo đánh giá của LĐLSVN, từ ngày Thông tư 70 được ban hành (10/10/2011), vai trò của LS trong hoạt động tố tụng ngày càng rõ nét hơn, giúp các LS thực hiện tốt hơn vai trò người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát các LS mới nhất, chỉ có 4,9% các LS tham gia khảo sát cho rằng trong một năm qua người bị tạm giữ (chưa có quyết định khởi tố bị can) được các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi để nhờ người bào chữa.

Phần lớn các LS (50,5%) vẫn cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can trong việc nhờ người bào chữa. Đặc biệt, có tới 12,5% LS cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng ngăn cản người bị tạm giữ, bị can trong việc nhờ người bào chữa.

 Vụ án nào càng cản trở LS thì vụ án đó càng có “vấn đề”. Đây là vấn đề quyền con người, quyền dân chủ của công dân nên càng cần vai trò của LS tham gia bào chữa. Cản trở LS cũng đồng nghĩa với việc cản trở quyền bào chữa của công dân.

LS Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội

“Nhiều LS cho rằng khách hàng của họ phần lớn là thân nhân của những người bị tạm giữ mà không phải là người bị tạm giữ hay bị can vì những người này đang bị cách ly. Một số LS cho rằng họ thậm chí chưa bao giờ tham gia vào hoạt động bào chữa cho người bị tạm giữ nào vì không được tạo điều kiện trên thực tế”- LS Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi LS (LĐLSVN) nói.

Về lý do từ chối người bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, LS Hoài cho biết, có tới hơn một nửa số LS tham gia khảo sát cho rằng lý do chủ yếu nằm ở việc cơ quan điều tra thường xuyên không giải thích cho người bị tạm giữ, bị can về quyền bào chữa mà tiến hành khám, xét hỏi ngay. Hoặc khi họ yêu cầu nhờ người bào chữa thì được khuyên là “không cần” hoặc “không nên”. Có gần 70% LS cho rằng người bị tạm giữ, bị can từ chối LS là do họ không có tiền.

Ngoài ra, một số LS còn cho biết có trường hợp bị can yêu cầu nhờ LS thì bị đe dọa có thể hình phạt nặng hơn. “Có trường hợp không biết chữ, nhưng không hiểu sao vẫn có văn bản với những lời lẽ, lập luận chặt chẽ gửi từ trong trại tạm giam ra từ chối LS tham gia bào chữa. Trong văn bản từ chối này, có chăng sự tham gia của bị can chỉ là điểm chỉ bằng ngón tay trỏ”- LS Đinh Xuân Mỹ, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Sơn La, bức xúc.

Luật sư bị điều tra viên gây khó

“Trong trường hợp dự cung (LS tham gia phần hỏi cung các bị can), để thể hiện khách quan, nhiều lần LS được điều tra viên hẹn ngày, giờ, địa điểm, nhưng cứ đến sát ngày giờ đã hẹn, họ lại gọi điện cho chúng tôi hẹn “lùi”. Rồi họ cứ lùi ngày này qua ngày khác cho đến khi chúng tôi nản thì thôi. Thực chất họ không muốn LS có mặt ở những buổi cung nên mới làm vậy”- LS Nguyễn Huy Thiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội cho biết.

“Tuần nào chúng tôi cũng nhận được văn bản của các Văn phòng LS nhờ chúng tôi can thiệp vào việc các điều tra viên cản trở họ tham gia bào chữa cho các bị can”- LS Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn LS TP Hà Nội lên tiếng.

Ông Tỵ cho rằng, hiện vẫn còn nhiều điều tra viên nhận thức rằng sự tham gia của LS sẽ gây khó khăn cho họ trong quá trình điều tra. Trình độ của nhiều điều tra viên vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc nên họ càng “sợ” sự có mặt của LS.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG