Công an nói gì về “đại công trường cát tặc” trên sông Hồng?

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì ngày 25/9. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì ngày 25/9. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Theo lãnh đạo công an huyện Ba Vì (Hà Nội),  “cát tặc” hoạt động ở địa bàn giáp ranh giữa huyện này với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), xa bờ và ngắt quãng nên rất khó kiểm soát, xử lý. Công an huyện cũng chưa có phương tiện chuyên dùng và công cụ hỗ trợ kiểm tra tàu bè trên sông.

Liên quan đến vấn nạn “cát tặc” trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội, ngày 6/10, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng công an huyện Ba Vì cho biết, sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Ba Vì dài 7km, giáp ranh với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đây cũng là điều kiện để một số đối tượng gồm cả người dân địa phương và người đến từ các tỉnh trên mang tàu cuốc đến khai thác cát. Thủ đoạn của “cát tặc” thường hoạt động ngắt quãng, xa bờ, thay đổi quy luật giờ giấc liên tục nhằm tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Trước tình hình trên, công an huyện đã có văn bản báo cáo lên các lực lượng chức năng của công an thành phố Hà Nội, báo cáo đề xuất gửi Chủ tịch UBND huyện Ba Vì tăng cường lực lượng, ban ngành để tổ chức tuần tra. Từ đầu năm 2015 đến thời điểm hiện tại (6/10), tổ công tác liên ngành đã phối hợp tuần tra, xử lý 16 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 200 triệu đồng. Trong đó có 2 trường hợp mới bị bắt giữ thuộc chủ tàu tên Hảo (quê Ba Vì, Hà Nội) và một người tên Khanh (quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc), hiện công an đang củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt.

Trường hợp bị xử phạt nặng nhất lên tới 35 triệu đồng như tàu hút cát mang biển kiểm soát VP-0347H của chủ tàu Bùi Mạnh Hùng (SN 1983, trú tại Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội), hoạt động ở khu vực xã Châu Sơn, Tản Hồng (huyện Ba Vì).

Lý giải về nạn “cát tặc” tái diễn và phức tạp hơn thời gian gần đây, ông Tuấn cho biết, chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe. “Bản thân tôi đã có kiến nghị lên cấp trên ra quyết định tịch thu phương tiện đối với các tàu không có đăng ký, đăng kiểm” – ông Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, việc tạm giữ, neo giữ các phương tiện vi phạm cũng có nhiều bất cập do công an huyện Ba Vì không có điểm tạm giữ, quản lý phương tiện vi phạm, buộc phải neo đậu trên sông, không có người biết lái tàu. Chỉ có một số tàu chở cát có thể di chuyển về cảng Sơn Tây để xử lý, còn nhiều trường hợp lái tàu tỏ ra bất hợp tác, không chấp hành, tắt máy cho tàu trôi. 

Một bất cập nữa là tổ công tác liên ngành kiểm tra của huyện hiện nay còn mỏng, không có phương tiện chuyên dùng và công cụ hỗ trợ kiểm tra tàu bè trên sông phục vụ công tác kiểm tra, không có cán bộ được đào tạo chuyên môn để lái tàu thuyền đi kiểm tra khi phát hiện vi phạm.

Để tăng cường công tác quản lý khai thác cát trên địa bàn UBND huyện Ba Vì đã giao công an huyện báo cáo Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ phương tiện tàu chuyên dùng và công cụ hỗ trợ khi kiểm tra.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.