Sau khi gia đình bà Ngụy Thị Vuông (SN 1970, trú tại tổ dân phố Khôi, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) tiếp tục có đơn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Thanh tra Bộ Công an… về việc chồng mình mất tích 11 năm, ngày 16/3 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện (CSĐT CAH) Yên Dũng đã có công văn trả lời gia đình. Công văn số 61/CV-CSĐT gửi bà Ngụy Thị Vuông.
Công văn nêu rõ: “Sau khi xem xét nội dung đơn, cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng nhận thấy trong tất cả đơn thư bà đều phản ánh về việc ngày 31/5/2005, chồng của bà là ông Nguyễn Văn Triển (SN 1968, trú tại thôn Khôi, xã Tân An, nay là tổ dân phố Khôi, thị trấn Tân Dân) bị cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng triệu tập để làm việc và bị mất tích từ đó đến nay không có tung tích gì.
“Nội dung công văn vẫn rập khuôn như năm 2006, không khác gì hất một gáo nước lạnh vào mặt tôi”.
Bà Ngụy Thị Vuông - vợ ông Triển
Liên quan vụ việc trên, ngày 10/5/2006 CAH Yên Dũng đã có Công văn số 163/CAYD trả lời cho gia đình bà. Nay, cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng một lần nữa trả lời để bà và gia đình được rõ. Cụ thể: Ngày 29/5/2005, cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng nhận được tin báo về việc tại công trường xây dựng nhà máy giấy Xương Giang đóng trên địa bàn xã Song Khê, huyện Yên dũng (nay là xã Song Khê, TP Bắc Giang) bị mất 2,2 tấn sắt. Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan CSĐT CAH đã tổ chức điều tra xác minh vụ việc. Qua xác minh thấy ông Nguyễn Văn Triển (chồng của bà) là người có khả năng biết sự việc nên ngày 31/5/2005 các điều tra viên cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng đã trực tiếp đến thôn Khôi, xã Tân An mời ông Triển về UBND xã Tân An để làm việc. Tuy nhiên, do không có phòng làm việc nên các điều tra viên đã cho ông Triển về ngay buổi trưa ngày 31/5/2005” - trích Công văn 61/CV-CSĐT.
Cũng theo công văn này: “Cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng khẳng định không hề bắt giữ, tạm giữ, tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Triển. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục xác minh, truy tìm tung tích của ông Nguyễn Văn Triển. Cơ quan CSĐT CAH Yên Dũng thông báo để bà được rõ”.
Thượng tá Tống Ngọc Quyến, Trưởng Công an huyện Yên Dũng xác nhận nội dung công văn trên với báo Tiền Phong. “Vụ án cách đây cả chục năm rồi, cơ bản vẫn thế thôi, chúng tôi vẫn đang tiếp tục xác minh” - ông Quyến cho biết.
Công văn trả lời mới nhất của Công an huyện Yên Dũng về trường hợp mất tích của ông Nguyễn Văn Triển.
Còn theo bà Ngụy Thị Vuông: “Nội dung công văn vẫn rập khuôn như năm 2006, không khác gì hất một gáo nước lạnh vào mặt tôi”. Bà Vuông cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn để làm rõ trách nhiệm của các cán bộ điều tra liên quan đến vụ việc. Bởi theo bà, tra lịch vạn niên thì ngày 31/5/2005 không phải là ngày nghỉ mà là ngày thứ Ba, ngày làm việc bình thường của cán bộ công chức, viên chức Nhà nước. Hai là, việc trung tá Nguyễn Xuân Tín, hiện công tác tại Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang (người trực tiếp điều tra vụ án mất trộm 2,2 tấn sắt) cho biết vụ mất trộm 2,2 tấn sắt đã “chìm xuồng” là không thỏa đáng.
Ba là, theo luật thì vụ án trộm cắp 2,2 tấn sắt chưa có quyết định khởi tố vụ án thì điều tra viên không được quyền triệu tập ông Triển và ông Triển cũng không có nghĩa vụ phải đến làm việc với cơ quan công an về vụ việc trộm cắp tài sản. Ngoài ra, việc điều tra viên Nguyễn Xuân Tín đã không gửi giấy mời trước cho người làm chứng - tức ông Triển, không thông báo thời gian, địa điểm làm việc, không có việc ký nhận hay chứng kiến của chính quyền địa phương là tùy tiện, trái pháp luật. Việc lấy lời khai của người làm chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng bắt buộc phải lập thành biên bản…