Ẩn mình trên mạng xã hội
Trong vòng 8 ngày (8-16/1), trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra 5 vụ cướp tài sản manh động. Các đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm như súng bắn đạn bi, dao bầu…để thực hiện hành vi phạm tội. Điều đáng nói, thay vì ra đường “săn mồi” theo cách truyền thống, một số đối tượng đã nhắm vào những người kinh doanh bán hàng trên mạng xã hội để ra tay.
Các đối tượng và tang vật trong vụ án cướp tài sản xảy ra tại Linh Ðàm (Hoàng Mai, Hà Nội) |
Điển hình, ba đối tượng Nguyễn Tùng Lâm (SN 1987, trú tại Hà Nội), Lê Duy Dự (SN 1984, trú tại Thanh Hóa) và Tô Văn Tình (SN 1993, trú tại Quảng Ninh) là những kẻ thất nghiệp, lại đang nợ nần đã chủ động làm quen với nhau qua Facebook “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Sau đó, chúng bàn bạc lên kế hoạch tìm những “con mồi” là người buôn bán hàng online trên mạng xã hội để cướp tài sản.
Ngày 8/1, các đối tượng này dùng sim rác gọi điện hẹn người đàn ông tên A. làm nghề kinh doanh điện thoại ở chung cư HH1A Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) và đến căn hộ xem điện thoại. Vừa bước vào cửa, các đối tượng dùng bình xịt hơi cay tấn công chủ nhà, đồng thời đánh, trói nạn nhân, lấy đi 4 chiếc điện thoại di động đắt tiền.
Tương tự, Trần Văn Hào (SN 1987, trú tại Hà Tĩnh, có 2 tiền án) và Phan Ngọc Trăm (SN 1999, trú tại Lạng Sơn) lên mạng xã hội phát hiện chị H. (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) bán hàng online trên Facebook, thường xuyên đăng tải hình ảnh sở hữu nhiều tiền mặt. Hai đối tượng này lập tức lên kế hoạch cho một vụ cướp táo tợn. Để thực hiện ý đồ, chúng thống nhất mua khẩu súng bắn đạn bi với giá 32 triệu đồng và chuẩn bị xe máy, găng tay, băng dính đến nơi ở của chị H. tại Khu công nghiệp ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) thăm dò tình hình.
Khoảng 1h30 ngày 16/1, Trăm và Hào trói bảo vệ, đạp cửa xông vào phòng ngủ, nổ súng bắn chỉ thiên, khống chế cả gia đình chị H., yêu cầu đưa 100 tỷ đồng. Do nạn nhân không có đủ số tiền theo yêu cầu, hai đối tượng cướp hai cọc tiền khoảng 200 triệu đồng rồi bỏ trốn.
Ngoài hai vụ việc trên, tại địa bàn quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (Hà Nội) vừa qua cũng xảy ra ba vụ cướp , trong đó, có hai vụ lái xe taxi bị đối tượng dùng dao chém vào vùng cổ, mặt nhằm cướp tài sản. Các đối tượng gây án đều là những kẻ nghiện ngập, nợ nần và cần tiền tiêu xài.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội xác định thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng không gian mạng, thành lập các hội nhóm kín nhằm kết bạn, trao đổi cách thức thực hiện hành vi cướp tài sản.
Các đối tượng rà soát, nhắm đến những người kinh doanh hàng online làm mục tiêu tấn công, như trường hợp vụ cướp ở Hoàng Mai và Thạch Thất (Hà Nội). Đồng thời trước khi gây án, chúng đã theo dõi, tìm hiểu kỹ địa điểm kinh doanh, chờ thời cơ thuận lợi để phạm tội. Cụ thể, trong vụ cướp ở Hoàng Mai, các đối tượng đi cầu thang bộ để tránh camera ghi lại hình ảnh.
Một số trường hợp khác, các đối tượng còn đi lại nhiều lần tìm kiếm nhà nào sơ hở, nhà vắng người hoặc ít có khả năng phát hiện, chống cự để cướp tài sản như vụ việc xảy ra tại đường Nguyễn Hoàng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nạn nhân là phụ nữ và hai con nhỏ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng lưu ý, trong các vụ cướp tài sản lái xe ôm, taxi, các đối tượng thường yêu cầu tài xế đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường vào ban đêm, khi đến đoạn vắng vẻ để ra tay. Gây án xong, các đối tượng bỏ trốn đến tỉnh khác.
“Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan điều tra đã xác định được các đối tượng gây án trong các vụ án không quá hai ngày và bắt giữ để xử lý theo quy định” - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
“Trong năm 2021, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 100 vụ cướp, cơ quan điều tra khám phá 98 vụ. Ðặc biệt trong thời gian ngắn vừa qua xảy ra một số vụ cướp manh động đã được điều tra, khám phá trong vòng không quá hai ngày”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng
Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, trong các vụ án vừa xảy ra, các đối tượng phạm tội đều ở tỉnh ngoài đến thuê trọ, cá biệt một số đối tượng gây án xong rút về địa phương cư trú để trốn. Những thủ đoạn này Công an TP Hà Nội đã đưa ra nhận diện và cảnh báo sớm cũng như “đón hướng” để truy bắt các đối tượng.
Là người trực tiếp đến hỏi cung nghi phạm, vị Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin, nguyên nhân của những vụ cướp tài sản nêu trên đều xuất phát từ việc các đối tượng không có việc làm trong mùa dịch COVID-19, điều kiện hoàn cảnh khó khăn, giáp Tết không có tiền tiêu xài nên chủ quan nghĩ rằng sau khi gây án có thể trốn thoát được.
Tang vật trong vụ cướp ở Thạch Thất (Hà Nội) bị thu giữ. Ảnh: Thanh Hà |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, trong thời gian tới, các lực lượng sẽ tập trung tăng cường đấu tranh với tất cả các loại tội phạm, trong đó có tội phạm cướp tài sản. Cụ thể, huy động 100% cán bộ, chiến sĩ ứng trực 24/24 trong 3 ngày Tết và thời điểm hiện tại 2/3 trong số đó đang ngày đêm làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm, giữ an ninh trật tự.
Từ tháng 8/2021, Bộ Công an đã giao công an các địa phương lên phương án phòng ngừa các loại tội phạm và đấu tranh, trấn áp mạnh với các loại tội phạm liên quan đến hậu COVID-19, đặc biệt trong đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm về trật tự xã hội dịp Tết Nguyên đán.
Còn theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, dự báo không chỉ giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán mà thời gian tới tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến khó lường, phức tạp.
Do đó, đòi hỏi lực lượng cảnh sát hình sự cũng như các đơn vị tiếp tục tập trung rà soát kế hoạch, phương án, bố trí con người, thời gian, địa điểm cũng như phân tích rõ đặc trưng, đặc điểm của từng loại tội phạm để phòng ngừa, đấu tranh. “Kiên quyết không để tội phạm lộng hành hay hình thành các tụ điểm phức tạp, các ổ nhóm tội phạm” - Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.