Con vào đại học, mẹ thành osin
Đã ở tuổi 54 nhưng bác Lưu (Tam Dương-Vĩnh Phúc) lại chẳng có được cái hạnh phúc vui vầy bên con cháu khi tuổi đã già. Hiện nay, ngày ngày bác vẫn cặm cụi đi giúp việc theo giờ cho gần 10 nhà xung quanh khu vực phường Nhân Chính (Thanh Xuân-Hà Nội).
Bác Lưu chia sẻ rằng: Gia đình bác vốn chỉ thuần nông. Mấy năm gần đây, chồng bác chẳng may lâm bệnh nặng, liệt nửa người. Mọi vấn đề kinh tế trong gia đình đều do bác cáng đáng.
Để nuôi cậu con trai đang là sinh viên năm thứ 2, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bác Lưu không thể trông vào mấy sào ruông nên tính chuyển nghề làm osin để lấy tiền cho con học hàng tháng. Thông qua những người môi giới giúp việc trong làng, ngày con về Hà Nội nhập học, bác Lưu xuống Thủ đô thuê trọ và làm nghề giúp việc theo giờ để có tiền trang trải mọi chi phí.
Theo bác Lưu, ban đầu hầu như mọi chủ nhà đều ngại bác tuổi cao, sức yếu nhưng nhờ làm việc cẩn thận, chu đáo, lại thật thà nên sau một thời gian, gia đình nào cũng quý mến và muốn thuê bác lâu dài.
Nhờ vậy, bác Lưu có được công việc khá đều đặn. Hàng ngày từ thứ hai tới chủ nhật, bác luân phiên giúp việc cho các nhà khác nhau. Có nhà thuê bác dọn theo giờ với mức giá khoảng 30.000-50.000 đồng/giờ. Cũng có gia đình thuê trọn gói khoảng 200.000-300.000 đồng/lần. Thỉnh thoảng, trong một ngày bác Lưu dọn cho tới mấy nhà liền nên số tiền kiếm được cũng đủ để hai mẹ con trang trải những chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
So với các công việc khác, bác Lưu cảm thấy công việc giúp việc theo giờ hiện khá phù hợp với bản thân bác.. Ngoài giờ làm việc, bác vẫn có thể trở về nhà trọ, lo cơm nước cho hai mẹ con. Mức thu nhập của công việc này cũng tương đối ổn định chứ không bấp bênh, thất thường như các công việc buôn bán khác khiến bác yên tâm hơn.
Tuy nhiên, bác Lưu chia sẻ, ở tuổi này, nhìn mọi người xum vầy bên gia đình, con cái, nhiều khi bác không tránh khỏi cảm thấy tủi thân, chạnh lòng. Mong muốn lớn nhất của bác là nuôi con ăn học, ra trường đi làm để được về quê cho thanh thản.
Tương tự, bác Trần Thị Hòa hiện đang làm giúp việc cho một gia đình ở ngõ 239 Cầu Giấy cho biết, bác làm giúp việc cho gia đình này đã được hai năm, sau khi con học xong đại học bác cũng nghỉ về quê.
Bác Hòa kể, công việc hằng ngày của bác chủ yếu là chăm đứa con nhỏ của hai vợ chồng chủ nhà, việc nhà cũng chỉ làm một phần chứ không phải làm hết. Mỗi tháng được trả 3 triệu đồng tiền lương, thỉnh thoảng ngày lễ họ có cho thêm vài chục nghìn gọi là tiền thưởng.
Tuy nhiên, tiền bác cầm về thì không được mấy bởi họ cho con trai bác thuê một phòng ở nhà họ giá gần 3 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền ăn của cậu con trai. Trừ đi bác chỉ được nhận hơn 1 triệu đồng/tháng.
“Với số tiền như thế không được gọi là nhiều nhưng đổi lại mình được ở cùng con cái, coi như làm đổi công cho họ. Làm tạm mấy năm rồi về quê”, bác Hòa chia sẻ.
Bố bám vỉa hè để con lên lớp
Dù ở ngay Thủ đô phồn hoa nhưng vợ chồng bác Nam (Thạch Thất-Hà Tây) cũng đang phải lăn lộn để kiếm đủ tiền nuôi con ăn học. Hai vợ chồng bác muộn mằn nên mặc dù đã gần 50, con gái lớn của bác mới bắt đầu bước vào cổng trường đại học, còn cô con gái nhỏ mới đang học lớp 8.
Nội ngoại hai bên đều nghèo nên mang tiếng sống giữa Thủ đô, gia đình bác vẫn không tránh khỏi cảnh “giật gấu vá vai” qua ngày.
Bác Nam chia sẻ rằng: “Đời mình đã nghèo nên quyết tâm phải cho các con học hành đến nơi đến chốn để tương lai không khổ như cha mẹ nữa”. Bởi vậy, gần một năm nay, hai vợ chồng bác đã kéo nhau về giữa trung tâm Hà Nội kiếm tiền.
Không trình độ, bằng cấp, bác Nam lựa chọn công việc làm xe ôm. Còn vợ bác cũng theo nhiều chị em cùng quê gia nhập vào “đội quân bán xôi” cùng những người ở quê.
Ngày ngày, hai vợ chồng chạy xe từ quê vào trung tâm rồi chia nhau rong ruổi khắp phố phường, để rồi tối về lại cùng tỷ mẩn kiểm kê xem ngày hôm nay mình đã kiếm được bao nhiêu tiền.
Theo bác Nam, bây giờ, nghề xe ôm cũng chẳng được “hưng thịnh” như trước kia nên nhiều hôm cả buổi mà bác không có vị khách nào. Giá cả xăng dầu lại biến đổi liên tục, nay tăng thế này, mai tăng thế khác mà lái xe thì không thể tăng giá ngay được. Còn vợ bác, bán thúng xôi hôm còn, hôm hết nhưng xem ra thu nhập ổn định hơn.
Hai vợ chồng đều đi làm xa nhà, con lớn trọ học luôn gần trường. Vợ chồng cũng tính thuê một phòng trọ luôn trên này nhưng còn con út học ở nhà nữa, nên hai vợ chồng cứ sáng đi tối về như hiện giờ.
“Sáng đi tối về kể ra cực lắm, nhất là vào những ngày trời mưa rét. Tuy nhiên, đi về như vậy lại rất tiện cho công việc buôn bán của vợ, lấy gạo từ gốc, đồ xôi ở nhà cũng tiện hơn ở trọ. Đi xa một chút nhưng tính ra vẫn tiết kiệm hơn ở trọ lại”, bác Nam tâm sự.
Bác Nam chia sẻ, năm nay con mới đang học năm đầu còn tận 3 năm nữa, vấn đề kinh tế sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Hai vợ chồng động viên nhau cố làm để có tiền nuôi con chứ nhiều gia đình ở nhà rồi vay mượn lấy tiền nuôi con như vậy bao giờ mới trả hết nợ. Buôn bán thế này, chẳng mong giàu chỉ mong nuôi được con ăn học là hạnh phúc lắm rồi.
Theo Bảo Hân
Vietnamnet