Tô Sơn Tùng với ước mơ cho năm mới: “Có đủ sức khỏe để tham gia chiến dịch” |
“Mùa xuân ai đi hái hoa, còn chúng tôi lên trường trại”
Đó là câu hát viết trên blog Xuân tình nguyện của các “chiến sĩ” nhân một lần đến trường Bình Đức. Nhiều bạn trẻ như thế đã chọn cho mình một cái Tết vì cộng đồng.
Tô Sơn Tùng - Chỉ huy trưởng Chiến dịch Xuân tình nguyện 2008 cho biết: “Năm trước có hơn 500 bạn đăng ký tham gia nhưng chúng tôi chỉ có thể xét được 300 bạn do không có kinh phí hoạt động. Nhưng ai cũng vui vẻ, hết mình bởi vì họ là những chiến sĩ tình nguyện sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
Lê Thị Bạch Vân (ĐH KHXH&NV TPHCM) đã tham gia chiến dịch ba năm liền khi Xuân tình nguyện 2008 mới chỉ vừa tròn 4 tuổi. Vân nói: “Lần đầu nghe các anh chị rủ, mình chỉ đi cho vui thôi, biểu gì làm nấy. Nhưng đi miết lại thích. Năm sau nếu không bận mình sẽ đi tiếp...”.
Lý do các bạn đến với Xuân tình nguyện đều đơn giản như thế. Vũ Phạm Minh Tuấn (Khoa Quan hệ quốc tế ĐHKHXH&NV - TPHCM) thì dí dỏm: “Mình ăn Tết với gia đình 19 năm rồi. Phải “nghỉ” đi đây đi đó nữa chứ”.
Chiến dịch Xuân tình nguyện 2008 (đợt 1 từ 20-27 tháng chạp; đợt 2 từ 27-mồng 3) gồm 4 chương trình: 1. “Biến Block lịch thành quyển sách cho người khiếm thị. Tặng băng Cát-sét cho thư viện sách nói. 2 “Ngựa sắt chắp cánh ước mơ” 3. “Xuân về với vùng sâu” – “Xuân về trên mái ấm, nhà mở” – “Xuân về trong bệnh viện” 4. “Khoảnh khắc mùa xuân”. Chiến dịch mong sự tham gia, đóng góp của SV tất cả các trường và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Mọi chi tiết có thể xem tại blog: http://360.yahoo.com/xuantinhnguyen2008 |
Nhưng xem ra chuyện xa nhà ngày Tết cũng không dễ chịu tí nào. Sơn Tùng kể: “Bố mình là bộ đội nên thường xuyên vắng nhà. Năm nay phải nhờ bố cắt phép trước mình mới yên tâm tham gia chiến dịch. Vì để mẹ với em gái nhỏ ở nhà thì buồn lắm...”.
Hầu hết các bậc phụ huynh khi biết con mình làm việc tốt đều thông cảm và ủng hộ. Còn các chiến sĩ sau mỗi chiến dịch thì thấy mình trưởng thành hơn.
Bạch Vân cho biết, trước đây bạn rất nhút nhát nhưng bây giờ thì tự tin hẳn. Hiện, em gái của Vân là Lê Thi Minh Vân (SV Khoa Sử ĐHKHXH&NV - TPHCM) cũng theo bước chị đi làm tình nguyện.
Nhớ mùa xuân trước tại mặt trận Bình Phước, Chỉ huy trưởng chiến dịch kể lại: “Đêm giao thừa cả đội tự dưng bật khóc. Đặc biệt là con trai lại khóc trước con gái. Cho nên Ban chỉ huy bao giờ cũng cố gắng không để các bạn có thời gian trống mà buồn”.
Ngoài kia trời đã tối, BCH chiến dịch vẫn còn họp bàn kế hoạch, một mùa Xuân nữa đang chạm mọi ngõ ngách của TPHCM và cả những nơi khác - nơi in dấu chân tình nguyện của SV.
Mùa làm thêm
Đoàn trường ĐHKHXH&NV – TPHCM chuẩn bị cho chiến dịch Xuân tình nguyện |
Hồ Thị Huệ (ĐH KHXH&NV TPHCM) kể lại: “Năm trước, mình đi múa diễu hành tại Suối Tiên. Một ngày ba suất cũng được bốn năm chục ngàn”. Nhiều SV ở làng ĐH Thủ Đức (TPHCM) cũng tìm việc làm ở Khu du lịch Suối Tiên vì vừa gần vừa vui.
Nhiều sinh viên như Huệ làm thêm trong dịp Tết vì hoàn cảnh khó khăn. Các trường ĐH cũng đã tích cực hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho SV ở lại. Võ Nguyễn Ái My - Phó Chủ tịch Hội SV ĐH Kinh tế TPHCM, tự hào khoe với chúng tôi: “Khoản giới thiệu việc làm cho SV không về quê đón Tết năm nào trường mình cũng làm rất tốt.
Nhờ có mấy anh chị đi trước chỉ bảo, thêm nữa các bạn làm được việc nên cuối năm các doanh nghiệp thường đề nghị được tiếp nhận SV làm thêm. Năm nay, có đến gần 700 đầu việc cho SV tại siêu thị Coop-mart, Cty Cocacola...”.
Theo anh Nguyễn Đức Dũng – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trung tâm Hỗ trợ SV, từ dịp Noel đến nay Trung tâm đã giới thiệu được 2.409 đầu việc cho SV. Thường là các công việc bán thời gian như giao hàng, phụ việc nhà, chuyển quà... Anh cho biết thêm: “Trung tâm đã cố gắng rất nhiều vì thời điểm gần Tết là lúc lượng SV tìm việc làm thêm rất đông”.