>> Trần Thị Thùy Dung - Hoa hậu Việt Nam 2008
Nhà thơ Dương Kỳ Anh |
Thưa ông, nhìn vào Top những gương mặt đẹp nhất có thí sinh người dân tộc (Tày, Kh’me) và cả người Đà Nẵng vốn gần gụi với địa phương Quảng Nam, có thể có người nghĩ đó là sự ưu tiên?
Hoàn toàn không. Địa phương, dân tộc, vùng miền nào cũng như nhau mà thôi.
Mỗi kỳ Hoa hậu đều có khó khăn riêng, cái khó của năm nay là gì thưa ông?
Cái khó lớn nhất của lần này là địa điểm quá rộng. Và phải làm mới nhiều thứ - khán đài, sân khấu, đều làm mới hoàn toàn.
Vinpearl và Tuần Châu sân khấu có sẵn, khán đài có sẵn, chỉ việc thi thôi. Còn ở Quảng trường sông Hoài này, địa phương phải gấp rút thi công một khán đài 5.000 chỗ ngồi chỉ trong vài tháng.
Hàng ngàn người gồm ban tổ chức, kíp truyền hình và sân khấu… cùng làm một việc là phục vụ cuộc thi nhưng ở rải rác tới 7, 8 khách sạn, riêng chuyện liên lạc đã khó khăn. Thí sinh năm nay rất đông và tương đối đồng đều, khó cho giám khảo… Tóm lại rất vất vả.
Cho rằng mình là người may mắn, nhưng tôi vẫn tính đến tất cả các phương án và biện pháp phòng xa. Đề phòng thời tiết xấu, ban đầu chúng tôi tính chuyện làm mái che sân khấu tới hơn 1 tỷ đồng do một Cty ở TP Hồ Chí Minh thực hiện, nhưng rồi không làm được vì qua khảo sát thấy sân khấu quá nặng, riêng dàn âm thanh ánh sáng đã hàng chục tấn, có thể sập, rất nguy hiểm.
Không quân cũng định làm cái dù hàng nghìn mét nhưng sẽ phải có một cái cột ở giữa sân khấu mà điều này cũng không thể chấp nhận được.
Cuối cùng, ban tổ chức quyết định mua 5.000 áo mưa cho khán giả và 150 cái ô cho các người mẫu để che cho thí sinh trình diễn nếu trời mưa. Và mua bảo hiểm cho 5.000 người.
Với khán đài mới dựng toàn bằng sắt, lúc đầu cũng định mời 2 trung đoàn bộ binh đến thử tải, sau có một đơn vị ở TPHCM có cách thử tải khoa học mà không cần “người thật”, nghĩa là thử tải từng điểm một để tìm xác suất, họ đã ký vào biên bản kiểm định, có gì xảy ra sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật…
Những năm trước thường giám khảo có hai phương án để lựa chọn Hoa hậu. Năm nay việc chỉ có một thí sinh nổi bật lên thì là thuận lợi hay khó khăn?
Vừa thuận lợi vừa khó khăn. Vì thí sinh nổi lên này, nếu trong đêm chung kết lại ứng xử mất bình tĩnh hay có vấn đề gì về nhân thân thì không có người thay thế!
Chúng ta chọn người đẹp nhất, và để đi thi thế giới thì không thể chỉ cao 1m68 hoặc nhan sắc không vượt trội.
Thi Hoa hậu là để chọn ra người tài sắc tương đối vẹn toàn. Nếu cần người thật giỏi mà chỉ đẹp vừa vừa thì đó là cuộc thi học sinh giỏi đấy chứ, thi Olympic đấy chứ.
Giờ phút này ông có thể nói gì về đêm chung kết đặc biệt của năm nay, với con số 20 tròn trĩnh?
Tại đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2008 |
20 năm đã trôi qua, nhìn lại chặng đường của cuộc thi Hoa hậu, tôi tâm đắc 4 điều.
Thứ nhất, từ chỗ là một hoạt động xa lạ thậm chí bị kỳ thị, thi Hoa hậu đã biến thành một hoạt động văn hóa sâu rộng, được các tầng lớp ủng hộ.
Chỉ đơn cử một ví dụ về địa phương đăng cai. Ngày xưa xin thi ở các địa phương rất khó khăn, ví dụ cuộc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi chật vật đúng nghĩa là đi xin. Thì nay càng ngày càng nhiều nơi đăng cai với sự hứa hẹn sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng: Đà Lạt, Bình Dương, Yên Bái, Quảng Nam… vân vân. Khánh Hòa và Quảng Ninh từng đăng cai nay cũng mời lại, rất tha thiết.
Thứ hai, từ chỗ không được ai biết đến, “như cây quế giữa rừng”, nay Việt Nam đã có tên trên bản đồ sắc đẹp thế giới và ngày càng cải thiện thứ hạng sau khi người đẹp Việt Nam lọt sâu vào Top những người đẹp nhất.
Một ngày như trong thời điểm hiện nay tôi phải trả lời hàng chục cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài xung quanh cuộc thi.
Hoa hậu Việt Nam là một hình ảnh hội nhập của đất nước, không những quảng bá một Việt Nam hội nhập mà còn quảng bá du lịch, quảng bá sắc đẹp Việt Nam, con người Việt Nam. Sắc đẹp cũng là một tài sản lớn của quốc gia.
Thứ ba, từ cuộc thi đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất 20 năm trước, đã khởi xướng ra rất nhiều cuộc thi và hoạt động văn hóa đa dạng: Thi học sinh thanh lịch, duyên dáng, bé khỏe bé ngoan, cả các show văn nghệ, điện ảnh khác. Trước đây có mấy cuộc thi trên sân khấu. Tất nhiên có cuộc hay cuộc dở nhưng là cơ hội cho tài năng, nghệ thuật phát triển.
Thứ tư, thi Hoa hậu góp phần thúc đẩy ngành thời trang, may mặc. Nếu không có thi Hoa hậu, có thể những ngành này vẫn phát triển nhưng chậm hơn, có sự thúc đẩy mạnh mẽ vẫn hơn.
Theo ông làm thế nào để nâng tầm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hơn nữa và cải thiện thứ hạng của người đẹp Việt Nam hơn nữa trên trường quốc tế? Ông từng bày tỏ mong muốn được thấy Hoa hậu Thế giới là người Việt Nam?
Điều tối cần thiết bây giờ là tính chuyên nghiệp. Các cuộc thi do báo Tiền phong tổ chức đang ngày càng chuyên nghiệp nhưng cần phải chuyên nghiệp hơn nữa.
Phải có trung tâm tư vấn đào tạo để con người ta đã đẹp càng đẹp hơn, đã giỏi càng giỏi hơn, đã hay càng hay thêm, đã ứng xử tốt càng tốt hơn. Kiểu như người ta vẫn làm ở Venezuela.
Lâu nay, chúng ta cứ tự nhiên hái quả, không gieo mà gặt. Vừa qua có một Cty lớn đã xúc tiến đề nghị với báo Tiền phong về dự án này. Đến lúc rồi.
Cảm ơn, chúc mừng thành công của cuộc thi và của Trưởng ban tổ chức Dương Kỳ Anh.