Hoang tàn bàn thờ Tổ quốc ở Miếu bà Thiên Hậu. Ảnh: T.N.A. |
Miễu Thiên Hậu thành miếu hoang
Khi người Việt từ miền Trung, miền Bắc vào khai phá Thủ Thiêm (vùng đất ven sông Sài Gòn) các vị tiền nhân ấy đã dựng lên đình, miễu. Miễu, theo nhà nghiên cứu Sơn Nam là do chữ miếu nói trại ra.
Miễu Thiên Hậu ở phường Thủ Thiêm có từ thời ấy. Năm 1945 Nhật qua giật sập miễu này. Năm 1956, ông Lương Văn Châu (vị thủ từ đã mất) đứng ra kêu gọi bà con đóng góp dựng cái miễu trên nền cũ. Miễu lớn nhất phường Thủ Thiêm.
Theo tục lệ của người Việt thì đình là nơi thờ cha, miễu là nơi thờ mẹ. Phần xây dựng của đình hơn 508 m2, rất uy nghi, bề thế, trong thờ các nữ thần bản địa như ngũ vị cô nương và thờ một vị thần phù hộ người đi biển là Thiên Hậu. Nhân dân thường tới miễu hương khói, hàng năm địa phương tổ chức lễ hội lớn.
Ông Đạt thủ từ kể: “Khi di dời để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chính quyền nói miễu là tín ngưỡng dân gian, nhà nước không công nhận nên không bồi thường hỗ trợ về đất. Chỉ bồi thường phần xây dựng 300 triệu, giao tiền cho mặt trận giữ”.
Chẳng bao lâu, miễu bị bọn xấu tới đập phá, trộm cướp tan hoang. Chúng phá dỡ cửa, phá mái lấy sắt vụn, những đồ linh khí cũng bị cướp bóc. Con rồng trên mái bị đập nát để lấy sắt.
Miễu lớn linh thiêng nổi tiếng của xứ Thủ Thiêm giờ chỉ còn là những bức tường nham nhở, trống hoác, bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ các vị tiên hiền, khu thờ ngũ vị nương nương đều bị cướp phá sạch sành sanh.
Rời miễu Thiên Hậu, tôi qua miếu cây Me gần đấy. Miễu này cũng cả trăm năm tuổi, đang thờ các Mẫu, Ngũ vị nương nương và Phật bà Quan Âm.
Ông thủ từ qua đời từ lúc nào. Con gái là Thủy cùng chồng và một đứa cháu nhỏ trông coi.
Chị Thủy bùi ngùi nhớ lại: “Hồi trước, mỗi lần vào lễ, rước các Mẹ đi một vòng trên sông Sài Gòn rồi về. Bây giờ bà con đã đi hết cả rồi. Chúng tôi phải vào ở hẳn trong miễu để trông coi, nếu không miễu sẽ bị đập phá hết như miếu Thiên Hậu”.
Vợ chồng người con của vị thủ từ đơn độc sống cùng cái miễu giữa vùng đất mênh mông cỏ dại không bóng người.
Anh Lễ, chồng chị Thủy cho tôi xem Quyết định số 268/PA- HĐBT của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ thiệt hại và tái định cư dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Quyết định này ghi: “Giai Quới Miếu (Miếu cây Me) có nguồn gốc do một số người dân địa phương tạo lập sử dụng vào mục đích thờ cúng dân gian cho cộng đồng dân cư nên không hỗ trợ bồi thường về đất”.
Họ quyết định hỗ trợ về vật liệu kiến trúc 144.650.236 triệu đồng và “toàn bộ số tiền hỗ trợ đối với Giai Quới Miếu chuyển vào tài khoản tạm giữ”.
Anh Lễ còn cho biết thêm: “Đền ông - thờ Hưng Đạo Đại Vương, cùng phường với chúng tôi. Cách đây mấy năm bọn cướp đã vào giết chết ông thủ từ để cướp phá”.
Tôi cám cảnh nhìn thấy đôi vợ chồng chị Thủy với những cái gươm gỗ và những cành cây dùng làm vũ khí. Anh Lễ nói: “Nếu bọn cướp vào, chúng tôi sẽ chống trả đến cùng”.
Còn đâu bản sắc văn hóa của người Việt?
Có người ví von Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ hiện đại chẳng kém Thượng Hải của Trung Quốc. Nhưng người dân băn khoăn một điều là đô thị mới hoành tráng ấy có còn đình, đền, miếu không.
Ông Đạt thủ từ trông coi miễu nói với tôi rằng nhân dân không có yêu cầu gì cao sang, chỉ đề nghị lấy đất của đền miếu bao nhiêu thì bồi thường diện tích bằng ấy, để nhân dân dời đình miếu tới chỗ mới.
Ông nói: “Bồi thường bằng tiền thì chúng tôi đâu dám cầm. Phải xây dựng lại đền miếu, duy trì sinh hoạt tinh thần truyền thống bản sắc của người dân Việt Nam ta”.
Chị Thủy trông miễu Cây Me, đưa cho tôi xem một bài viết đăng trên internet. Bài báo viết rằng ngày 3-12-2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nghị định nói rõ: “Có 11 điều kiện được NĐ 197/NĐ-CP liệt kê. Người bị Nhà nước thu hồi đất có 1 trong 11 điều kiện này thì được bồi thường”. Điều kiện thứ 10 là: “Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình đền chùa miếu am … được UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng và không có tranh chấp”.
Thủ Thiêm có ít nhất 2 cái đình thờ các vị anh hùng dân tộc, 7 miễu thờ Mẹ và 1 đền thờ Hưng Đạo đại Vương. Số phận của những công trình văn hóa dân tộc này sẽ ra sao, người dân chưa ai được biết.