'Cơn lốc màu cam' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 3: Nhân dân hiểu và đồng lòng

0:00 / 0:00
0:00
Để thực hiện được nhiệm vụ của mình, từ chủ đầu tư dự án đường dây 500 kV mạch 3 đến các nhà thầu và lực lượng thi công đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của chính người dân các địa phương nơi đường dây đi qua.

Công trình quốc gia, không phân vân

Vị trí trụ 132 nằm trong một trang trại chăn nuôi lợn của người dân ở làng Đại Đầu, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Chủ trang trại là ông Lê Đình Kháng, một cựu chiến binh từng có 4 năm trong quân ngũ. Ông Kháng cho biết, công trình đường dây đường dây 500 kV mạch 3 đi qua trang trại của ông, trong đó có một vị trí trụ điện nằm giữa ao. Diện tích đất nhà nước lấy và đền bù để dây dựng trụ điện là 500 m2. Tuy nhiên, để có mặt bằng thi công thì cần phải cần một mặt bằng và không gian rộng hơn thế rất nhiều.

'Cơn lốc màu cam' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 3: Nhân dân hiểu và đồng lòng ảnh 1

Gia đình ông Lê Đình Kháng dành tất cả không gian cần thiết để lực lượng thi công lắp dựng trụ điện

Với ông Kháng, khó khăn lớn nhất không phải là mặt bằng mà là sự an toàn của trại lợn. Từ 6 tháng trước, chủ đầu tư đã đến làm các công tác liên quan đền bù và sau đó là đơn vị thi công đến san lấp mặt bằng xây dựng trụ. “Người ngoài muốn vào trại lợn, ít nhất phải tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo, khử trùng chứ và cách ly bên ngoài hai ngày. Nhưng nếu anh em công nhân ra vào mà cứ phải sát trùng, thay quần áo thì anh em không làm được. Bản thân chủ trại cũng không làm được”, ông Kháng cho hay. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến tiến độ công trình, ông Kháng đã quyết định mở cửa trại để các lực lượng liên quan vào triển khai công việc. “Nhà nước làm công trình này mình phải ủng hộ thôi”, ông nói.

“Đất là đất của quốc gia, đường điện của quốc gia, và tôi cũng là một thành viên của quốc gia. Nhà nước làm được, tôi rất ủng hộ, không phân vân chi hết” (Ông Lê Đình Kháng – Chủ trại lợn ở làng Đại Đầu, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).

Cách đây một tháng, trại lợn ông bị dịch tả châu Phi tấn công khiến 100 con, chiếm 1/10 số lợn trong trại bị chết phải đem chôn. Cùng với đó, ông phải bán vội 400 con khác để “chạy dịch”. Tổng mức thiệt hại là 1 tỷ đồng.

Dù thiệt hại lớn nhưng ông Kháng vẫn âm thầm chịu đựng và tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thi công. Khi anh em của Công ty Điện lực Đồng Nai được tăng cường đến nơi, ông mở lòng đón nhận và cho đơn vị thi công sử dụng tất cả mặt bằng cần thiết cho việc thi công, kể cả trèo lên mái nhà, mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì với một tinh thần hết sức vui vẻ.

'Cơn lốc màu cam' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 3: Nhân dân hiểu và đồng lòng ảnh 2

Ông Lê Đình Kháng, chủ trại lợn tạo điều kiện cho đơn vị điện lực sử dụng mái nhà để kéo dây dựng trụ.

Mặc dù vậy, ông Kháng vẫn cứ khiêm tốn bảo rằng: “Tôi vẫn chưa hỗ trợ gì được cho anh em và cũng chưa thấy anh em có yêu cầu hỗ trợ gì ngoài việc gặp nhau thì cười, nói nói đôi câu”. Ông còn bảo: “Các anh em tăng cường từ Đồng Nai ra làm rất tốt. Vốn chưa quen khí hậu ngoài này nhưng “dính” mấy cơn gió Lào mà vẫn chinh chiến được thì rất chi là tốt”.

Sau những ngày thường trực ở công trường cùng anh em trong đơn vị thi công cột 132, ông Trương Đình Quốc – Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai phải thừa nhận khi nói về ông chủ trại lợn Lê Đình Kháng: “Ảnh rất thương anh em chúng tôi và đã hỗ trợ hết mình. Nhờ đó chúng tôi mới sớm hoàn thiện được công trình này”.

Sẵn sàng hỗ trợ

Bà Lưu ở xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn) là người cho các anh em trong tổ xung kích của Công ty Điện lực Cà Mau thuê nhà ở trong thời gian thi công. Nhưng bà Lưu không phải làm điều này chỉ vì mục đích lợi nhuận mà cái chính là để hỗ trợ các anh em thi công có điều kiện tốt nhất có thể. Nhà bà Lưu khá rộng rãi, không khi bà chỉ có một mình nên bà đã dành tất cả không gian nhà để mọi người sinh hoạt một cách thoải mái và thuận lợi nhất. Bà còn thường xuyên trò chuyện vui vẻ, hướng dẫn mọi người những việc cấn thiết liên quan đến chợ búa, sinh hoạt, đồng thời quan tâm đến từng bữa ăn của anh em.

'Cơn lốc màu cam' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 3: Nhân dân hiểu và đồng lòng ảnh 3

Bà Lưu từng nhường đất xây dựng đường dây 500 kV mạch 2 và hiện tại đang tích cực hỗ trợ công nhân ngành điện xây dựng đường dây 500 kV mạch 3.

Trước đây, gia đình bà Lưu cũng đã giao một phần đất trong vườn nhà để xây dựng đường dây 500 kV. Bà bảo, công trình quan trọng của quốc gia, mình sẵng sàng ủng hộ. Bây giờ, lại một đường dây tương tự đi qua nơi này, bà lại tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ bằng cái cách mà bà có thể.

Chính quyền thị xã Nghi Sơn và xã Trường Lâm cũng đến tận công trường thăm hỏi và tặng quà động viên anh em thi công các vị trí trụ trên địa bàn, khiến mọi người được khích lệ tinh thần và thêm ấm lòng.

Không riêng ở Nghi Sơn, các đơn vị điện lực từ miền Nam tăng cường ra các địa phương cũng đều nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

'Cơn lốc màu cam' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 3: Nhân dân hiểu và đồng lòng ảnh 4

Lãnh đạo SPC kiểm tra bữa ăn của tổ xung kích của Công ty Điện lực Long An. Đơn vị này được người dân hỗ trợ nơi ăn và nghỉ trưa rộng rãi, mát mẻ gần chân công trình.

Nhờ người dân địa phương hỗ trợ nên tổ xung kích của Công ty Điện lực Long An có được một nơi lý tưởng để ăn uống và nghỉ trưa ngay sát vị trí thi công. Đó là đền thờ của một vị tướng ở thôn Cẩm Tú, xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) rợp bóng cây xanh mát.

'Cơn lốc màu cam' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 3: Nhân dân hiểu và đồng lòng ảnh 5

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và tặng quà tổ xung kích của Công ty Điện lực Sóc Trăng và Công ty Điện Lực Lâm Đồng đang thi công xây dựng trạm 500kV Thanh Hóa.

Chiều 22/6, khi đi kiểm tra, đôn đốc, động viên việc thực hiện dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, qua công trình này, nhân dân sẽ càng hiểu và ấn tượng hơn với hình ảnh cán bộ, công nhân ngành Điện, ngành Xây dựng ngày đêm lao động trên công trình. Thủ tướng yêu cầu quá trình thi công tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân địa phương. Do đó, phải bám dân vì sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Sau này, những công trình lớn cũng phải triển khai theo hướng này và phải rút kinh nghiệm từ công trình này.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Không nhận ra danh thủ Hồng Sơn
Không nhận ra danh thủ Hồng Sơn
TPO - Anh trai vượt ngàn chông gai tập hợp 33 nam nghệ sĩ và người nổi tiếng cùng tranh tài ở lĩnh vực biểu diễn ca nhạc. Danh thủ Hồng Sơn gây bất ngờ khi xuất hiện với ngoại hình trẻ trung, gương mặt không nếp nhăn.