'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa

0:00 / 0:00
0:00
Một ngày làm việc của các kỹ sư, công nhân Công ty Điện lực Cà Mau bắt đầu từ 4 giờ. Khi chuông báo thức reo, mọi người bật dậy để chuẩn bị bữa sáng, tranh thủ ăn để kịp và 5 giờ đi công trường. “Làm thật sớm để tránh cái nắng gay gắt buổi trưa”, ông Hồng Hoàng Quân - Tổ trưởng xung kích của Công ty Điện lực Cà Mau nói.

Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương

Vị trí trụ điện số 33 do Công ty Điện lực Cà Mau thực hiện là trụ đôi, nằm trên ngọn núi thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Từ dưới chân núi đến vị trí cột phải đi khoảng 2,5 km với nhiều dốc cao và quanh co, mặt đường đất gồ ghề, lởm chởm bởi sự cày xới bởi các loại xe chở cây keo lá tràm.

'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa ảnh 1

Phương tiện di chuyển từ nhà đến công trường và ngược lại của anh em đội xung kích Công ty Điện lực Cà Mau là chiếc xe tải thuê của người dân

Tổ xung kích của Công ty Điện lực Cà Mau gồm 12 người, ở trọ nhà người dân, cách công trình khoảng 3,5km. Một người được cắt cử ở nhà lo cơm nước, tất cả còn lại đều lên công trường. Phương tiện di chuyển từ nhà đến công trường và ngược lại mỗi ngày là chiếc xe tải thuê của người dân. Mấy hôm rồi có chiếc xe cẩu hỏng máy nằm ngáng ngang đường, nên cả đội phải đi bộ đoạn đường dài. Ngoài thiết bị cầm tay, hành trang đem theo lên công trường của cả đội chủ yếu là nước uống và vài bao đá lạnh nhỏ gói trong túi nilon để làm mát nước. “Phải uống nước liên tục nên nước dự trữ luôn phải có đủ để dùng”, ông Quân nói.

Vì đường khó đi, hai buổi sáng và tối ăn cơm tại nhà, buổi trưa thuê người đem cơm đến công trường. Ăn xong, mọi người tranh thủ nghỉ trưa tại chỗ. Khu vực công trường trơ trụi không một bóng cây nên đã nóng lại càng thêm nóng. Lán trại chỉ là tấm bạt phủ trên cánh tay xà lắp sẵn đang chờ ngày kéo lên gắn trên cột điện. Mọi người nằm bệt xuống đất hoặc giăng võng bên trong lòng cánh tay xà.

'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa ảnh 2

Lán trại của anh em Công ty Điện lực Cà Mau trên công trường chỉ là tấm bạt phủ trên cánh tay xà lắp sẵn.

Lịch làm việc của toàn đội: 6 giờ bắt đầu thi công. 11 giờ nghỉ ăn trưa. 14 giờ làm tiếp đến 18 giờ 30 nghỉ xuống núi. Nắng nung các thanh thép của trụ điện nóng đến mức bỏng tay và đó cũng chính là lý do buổi sáng buộc phải làm sớm, nghỉ sớm và buổi chiều làm muộn nghỉ muộn. Suốt cả ngày nắng và nóng, khí hậu luôn khô khốc, duy chỉ có mồ hôi là luôn ướt đầm từ đầu đến chân những người thợ điện. Mặt ai nấy đều đem sạm cũng vì nắng.

'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa ảnh 3

Bữa sáng đạm bạc tự chuẩn bị của anh em Công ty Điện lực Cà Mau trước khi lên công trường

Từ công trường về đến nhà, mọi người tranh thủ tắm rửa, giặt giũ rồi ăn cơm. Đơn vị quán triệt tuyệt đối cấm rượu bia để đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn công tác. Vì thế, bữa cơm diễn ra rất nhanh chóng. Ăn xong, mọi người hoặc gọi điện về trò chuyện với vợ con, gia đình, hoặc ngồi hóng mát một lúc rồi đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày hôm sau.

Vượt chướng ngại

Cái khó chung nhất của các đội xung kích trên công trường đường dây 500kV mạch 3 thời điểm này là khí hậu quá khắc nghiệt, khác xa so với khí hậu khu vực miền Nam. Bên cạnh đó là thức ăn không quen khẩu vị. “Ngày đầu nhờ chủ nhà nấu, nhưng không phù hợp với khẩu vị của anh em nên chúng tôi đã cử một người ở lại lo chợ búa, cơm nước. Nhờ đó anh em ăn uống được ngon miệng và đảm bảo sức khỏe, đến nay không ai bị đau ốm gì”, ông Quân cho hay.

'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa ảnh 4

Làm việc trên cao, dưới nắng nóng gần 40 độ C

Công ty Điện lực Long An cũng cắt cử một người theo dõi việc nấu nướng và trực tiếp nêm nếm cho vừa khẩu vị của mọi người. Ngoài ra, Công ty còn cử nhân viên y tế đi cùng để theo dõi sức khỏe anh em. Ông Nguyễn Văn Thảnh, người phụ trách công tác y tế của Công ty Điện lực Long An tại công trường chia sẻ, nhân viên y tế thường xuyên ở công trường kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp cho anh em, nhất là những người làm việc trên cao. Nhờ đó không xảy ra tình trạng ốm đau hay ảnh hưởng đến các vị trí công tác.

Nhiều vị trí trụ còn thiếu vật tư do nhà thầu chưa cung cấp kịp, hoặc thiết bị cẩu đủ chiều cao để thi công nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên, các đơn vị luôn nỗ lực đến mức cao nhất để “tìm việc”. Tại công trường xây dựng Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa (xã Minh Tâm, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), lực lượng xung kích của Công ty Điện lực Lâm Đồng và Công ty Điện lực Sóc Trăng đang cùng nhà thầu Licogi 16 và các đơn vị khác khẩn trương hoàn tất các phần việc được giao.

'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa ảnh 5

Lực lượng xung kích của Công ty Điện lực Lâm Đồng và Công ty Điện lực Sóc Trăng đang thi công tại Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa

Ông Trương Ngọc Duy, Tổ trưởng Tổ xung kích Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết, Công ty có 20 thành viên xung kích cùng với đó còn điều cả xe cẩu để phục vụ thi công và xe 16 để đưa đón anh em từ nơi ở đến công trường và ngược lại. Lúc đầu tổ xung kích được phân công dựng trụ 168 nhưng do nhà thầu chưa đáp ứng đủ vật tư nên Tổ được điều về Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa để xây lắp 3 cột giàn trụ cổng trạm 500 kV. Hiện đã dựng được hai cột, phần còn lại đang tiếp tục hoàn thiện.

'Cơn lốc màu cam”' phương Nam trên đường dây 500 kV mạch 3: Bài 2: Vượt nắng, thắng mưa ảnh 6

Lãnh đạo Công đoàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn EVNSPC thăng và động viên lực lượng xung kích của Công ty Điện lực Tây Ninh thi công tại vị trí trụ 196 (xã Minh Tâm, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Để các vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt những phần việc được giao, ngoài nỗ lực của mỗi các nhân, các tổ xung kích luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo ngành Điện lực, từ Tập đoàn Điện lực đến Tổng công ty và các Công ty điện lực. Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNSPC cùng các lãnh đạo, Công đoàn của Tổng công ty thường xuyên đi đến tận các vị trí để kiểm tra, đôn đốc và động viên các kỹ sư, công nhân đang thi công đường dây 500 kV mạch 3. Nhờ đó đã kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ được những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ công trình.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG