Sự lưỡng lự của bà Sara Duterte không được phản ánh trong các cuộc thăm dò ý kiến, nhưng những người hoài nghi kể lại câu chuyện bố của bà cũng từng chơi kiểu lắt léo trong cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, ông Duterte ban đầu tái chạy đua vào vị trí thị trưởng TP Davao, để nhiều người ồn ào kêu gọi ông lên làm tổng thống.
Một tháng sau, ông thế chân một người của đảng ít được dư luận biết đến để bắt tay vào một cuộc chạy đua tổng thống.
Năm 2022, người dân Philippines sẽ bầu ra người kế nhiệm ông Duterte, nhà lãnh đạo được thế giới biết đến với cuộc chiến mạnh tay với ma tuý khiến hơn 6.000 người chết. Ông cũng được biết đến với chính sách xoay trục sang Trung Quốc và quay lưng với đồng minh lâu đời Mỹ.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực tăng cường các quan hệ đồng minh ở châu Á để đối phó với một Trung Quốc ngày càng mạnh và hành động quyết liệt hơn ở những khu vực như Biển Đông.
Mỹ và Philippines đang đàm phán lại Thoả thuận các lực lượng viếng thăm sau khi ông Duterte đơn phương tuyên bố đình chỉ văn bản này.
Thời gian ông Duterte cầm quyền đã khiến giới chính trị gia trong và ngoài nước chao đảo và nhiều doanh nghiệp chao đảo.
Ông Duterte gây sức ép một tài phiệt mà ông muốn “phá huỷ” để buộc ông này thoái vốn khỏi một công ty game. Ông đe doạ bỏ tù những người chủ của tập đoàn Ayala vì một hợp đồng cung cấp nước, khiến họ phải thực hiện theo mong muốn của tổng thống. ABS-CBN, đài truyền hình lớn nhất thuộc sở hữu của gia đình Lopez quyền lực, bị buộc phải đóng cửa sau khi mâu thuẫn với ông Duterte.
“Nhiệm kỳ của ông Duterte tạo nên nhiều điều bất định, trong đó có chính sách thân Trung Quốc, lập trường chống giới tinh hoa và các doanh nghiệp, và một quan hệ ít gắn bó với các đồng minh truyền thống và các định chế phương Tây”, Bob Herrera-Lim, giám đốc điều hành Teneo, một công ty tư vấn rủi ro của Mỹ, đánh giá.
Theo hiến pháp, nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte kết thúc sau 6 năm. Việc ai sẽ kế nhiệm ông sẽ có tác động lớn lên nền kinh tế trong nước. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ông Duterte khiến nền kinh tế Philippines giảm 9,6% trong năm 2020, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo và thất nghiệp. Hy vọng về một sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn suy thoái hậu chiến tranh đã tan biến trong làn sóng bùng phát COVID-19. Chương trình tiêm chủng vắc-xin cho người dân vẫn xa vời.
Dẫu vậy, ông Duterte vẫn nhận được nhiều ủng hộ ở quốc gia với dân số 110 triệu người. Khảo sát của Pulse Asia vào cuối năm ngoái cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông lên tới 91%.
Tỷ lệ ủng hộ đó tạo đà cho con gái ông trở thành người kế nhiệm tiềm năng.
Trong số hàng chục ứng viên, bà Sara giành được 27% ủng hộ trong cuộc khảo sát của Pulse Asia thực hiện vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, cao hơn gấp đôi tỷ lệ mà đối thủ gần nhất của bà đạt được. Kết quả bầu cử ở Phililippines được tính dựa trên số phiếu, ứng viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ trở thành tổng thống. Các phó tổng thống được bầu riêng.
Bà Sara Duterte Carpio, tên thường gọi là Inday Sara, năm nay 42 tuổi và là mẹ của ba con. Bà hiện là thị trưởng Davao, nơi ông Duterte cầm quyền suốt hơn 20 năm.
Giống như bố, bà Sara cũng là một luật sư, thường chạy xe máy và xây dựng hình ảnh một chính trị gia khiêm tốn nhưng cứng rắn. Bà từng đấm một quan chức toà án trong chương trình truyền hình quốc gia năm 2011.
Ảnh hưởng chính trị của bà Sara không dừng lại ở thành phố quê nhà Davao. Năm 2018, bà hỗ trợ nỗ lực lật đổ chủ tịch quốc hội Pantaleon Alvarez sau khi hai người mâu thuẫn vì nhiều vấn đề, trong đó có việc bà thành lập đảng riêng mang tên Liên minh vì thay đổi.
Dù ông Duterte tuyên bố sẽ không thăm Mỹ sau khi bị chỉ trích trong cuộc chiến chống ma tuý, bà Sara được đánh giá là người linh hoạt trong quan hệ đối ngoại. Năm ngoái, bà tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington. Bà cũng tháp tùng ông Duterte trong các chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác.
Dù liên minh của ông Duterte vẫn rất mạnh, nhưng điều đó không bảo đảm chiến thắng tiếp theo. Đại dịch đã thay đổi phương trình chính trị, vì nền kinh tế Philippines đang trong tình cảnh tồi tệ, các chuyên gia đánh giá.
Quan hệ với Trung Quốc và tranh chấp trên Biển Đông cũng được nhận định sẽ trở thành vấn đề quan trọng trong buộc bầu cử của Philippines trong năm sau.